Bỏ phố về rừng: Không phải muốn là được...
LTS. Bản sắc đô thị trong khái luận của nhiều nhà quy hoạch và kiến trúc sư không phải là giá trị có thể tạo ra một cách duy ý chí của một số người, mà phải được hun đúc và nuôi dưỡng từ lịch sử và văn hóa đô thị, từ lối sống và tính cách của cộng đồng.
Để cung cấp dữ liệu thực tiễn cho các nghiên cứu chuyên sâu về bản sắc đô thị - yếu tố quan trọng định danh đô thị đặc thù, từ số báo này Người Đô Thị mở thêm các nhánh chuyên đề, tiếp cận đa chiều vào các lối sống mới của người Việt, những va đập giữa các giá trị bản sắc và mối liên hệ giữa nơi chốn với không gian xã hội... Khởi đầu là chuyên đề “Chuyện người di cư”.
* * *
Có một dạo, tần số xuất hiện của việc bỏ phố về rừng trên truyền thông dày đặc đến mức nhiều người nghĩ rằng đó là một xu hướng. Nhưng Trần Kiêm Huy, người có “thâm niên” bỏ phố về rừng hơn 7 năm nay, nói rằng hãy cẩn thận với ước mơ của bạn, bởi khi chọn về rừng, bạn phải trang bị rất nhiều kỹ năng để tồn tại, phải chuẩn bị cho mình một hoặc vài nghề nghiệp linh động, và cả an toàn tài chính một, hai năm đầu.
Măng Đen Bootcamp, một trại hè ở Măng Đen - Kon Tum, nơi các bạn trẻ thành phố có thể trải nghiệm những ngày hè khác biệt. Khi được giới thiệu năm nay, lần đầu tiên Măng Đen Bootcamp đưa bộ môn cưỡi ngựa vào chương trình, tôi nhận ra dáng vóc người thầy dạy cưỡi ngựa, Trần Kiêm Huy, bạn lâu năm của gia đình.
Bạn bè vẫn gọi anh là "Huy điêu khắc", sau này là "Huy ngựa", xuất thân là dân điêu khắc. Anh có nhiều sáng tác trưng bày khắp Việt Nam, từng tham gia nhiều trại sáng tác. Huy có sở thích khá lạ đời là sống xa chốn đông người. Căn nhà đầu tiên của Huy ở nơi vắng vẻ của Củ Chi, nơi anh nuôi chó, thú cưng, sáng tác, nuôi những con ngựa đầu tiên. Và rồi khi nhiều người chọn Củ Chi làm nơi sinh sống, làm vườn, nhà nghỉ dưỡng… thì Huy quyết định lên Đà Lạt.
Sống ở Đà Lạt hai năm, Huy chịu không nổi làn sóng phát triển quán xá và các homestay, thế là anh cùng vợ con chọn định cư ở Mê Linh, cách Đà Lạt 40km.
Cách đây hơn 5 năm, khi đến thăm Huy, chiếc xe lắc lư suốt đoạn đường 10 km đường rừng để dẫn tới một ngôi nhà sát thung lũng, bao quanh là vườn cà phê, có chó, ngựa… Và tất nhiên, không một bóng người, bóng nhà. Lúc đó, Huy cười vui kể, Sam, con gái lớn của anh đang học mẫu giáo trong bản với các bạn người thiểu số nên giọng của Sam nghe lơ lớ.
Định cư tại Mê Linh 3 năm, Huy lại quyết định đến Dak La - Kon Tum mua mảnh đất 1 ha ven hồ, rộng rãi, xa hẳn nhà dân để tha hồ nuôi ngựa, thả ngựa.
Việc xa rời thành thị, tìm về rừng của Huy và vợ con đến thật tự nhiên vì anh có một người vợ đồng điệu, cảm thấy không có gì vui với sự xô bồ đô thị. Những ngày Huy có công trình điêu khắc hay công việc ở trại ngựa phải đi xa nhà, vợ Huy vẫn tự tin chăm con, giữ nhà một mình giữa rừng. Đổi lại, những đứa con của Huy biết đầy đủ những kỹ năng sinh tồn mà không cần đến sự trợ giúp của ba mẹ.
Huy kể: “Bé Sam 10 tuổi đã tự ăn uống giặt giũ, biết nấu ăn cho cả gia đình. Sam đã quen với cuộc sống ở nhà tự trồng rau, tự nấu ăn, muốn có đồ chơi phải tự làm lấy, biết sống hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, biết cưỡi ngựa. Nhiều người cứ nghĩ khi sống xa rời đô thị thì con cái sẽ thiệt thòi, tuy nhiên tôi không nghĩ vậy và cũng không có gì lo lắng cả. Tôi hay dạy con bằng cách cho con chơi thoải mái, gần gũi và học hỏi từ thiên nhiên. Và vì không ép con học nên thật thú vị khi hai con tôi cứ đòi tới trường. Người ta thiếu gì thì tự tìm đến, trẻ con thành phố sợ học thì con tôi thích học. Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay con tôi cũng không có gì cách biệt khi vẫn học tiếng Anh online với thầy người Mỹ”.
Khi tham gia dạy cưỡi ngựa và dạy điêu khắc trong trại hè Măng Đen Bootcamp, Huy nhận thấy con gái mình có một điểm nổi trội so với trẻ em thành phố, đó là sự tập trung, kiên nhẫn. Sam có thể ngồi hàng giờ để làm một món đồ chơi vì từ nhỏ, Sam đã quen với việc không mua đồ chơi có sẵn. Thời gian ở rừng núi dài dằng dặc mỗi ngày vì vợ chồng Huy hạn chế con tiếp xúc với điện thoại, tivi.
“Tôi nhận thấy rất rõ, khi hướng dẫn các bạn nhỏ ở thành phố làm các môn tạo hình, điêu khắc thì các bạn ngồi làm tối đa là 30 phút. Bạn nào cũng muốn làm cho xong, cho nhanh vì có thể khi xong việc, các bạn sẽ được xem điện thoại, chơi game. Khi chọn cho con một cuộc sống xa rời thành thị, tới lúc này, tôi cảm thấy an tâm khi con mình không gặp những vấn nạn như nghiện game, nghiện công nghệ”, Huy chia sẻ.
Cũng như đứa con gái 10 tuổi, khi đổi môi trường sống, Sam không hề cảm thấy sợ sệt mà cảm giác thích thú vì có điều mới để khám phá, vợ chồng Huy cũng vậy. “Tôi đã sống những nơi tận cùng của sự heo hút rồi thì ở đâu cũng thấy vui”.
Nhiều năm làm việc với nghề điêu khắc, nuôi ngựa, Huy gom góp mua được một căn nhà ở Đà Lạt và một vườn ở Mê Linh nhưng Huy sẽ bán hết những bất động sản đó. “Nếu không có đất đai, nhà cửa, cả nhà vác ba lô, lên xe, thế là xong. Không phải nghĩ ngợi gì nhiều. Càng nhiều đất đai càng khổ, chỉ cần một cái nhà để ở là quá đủ. Tôi chỉ cần căn nhà bên hồ ở Dak La hiện nay, thế là đủ”, Huy nói.
Trước xu hướng nhiều người thích bỏ phố về rừng vì chán ngán cuộc sống đô thị, Huy chia sẻ: “Khi từ bỏ một nơi thuận tiện về tất cả mọi mặt, chỉ cần xoay lưng là có tất cả tiện nghi, với hoàn cảnh mới là sự túng thiếu, vậy thì phải biết xoay chuyển, xử lý sự túng thiếu. Về quê, về rừng không phải là sự cùng đường, mà phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Một điều vô cùng thực tế là cần một số tiền để có thể sống yên ổn một, hai năm, không lo nghĩ nhiều. Chứ trồng rau nuôi gà phải tốn thời gian lắm, trồng xà lách thì cả tháng mới có, ớt thì 3 - 4 tháng mới ra trái, nuôi gà thì 7 - 8 tháng.
Đừng có mơ mộng bỏ phố về rừng kiểu trên trồng rau, nuôi gà, dưới thả cá. Phải có nghề nghiệp có thể kiếm tiền một cách linh động, như tôi thì lúc làm điêu khắc, nuôi ngựa, rồi làm sân vườn. Phải trang bị tất cả các kỹ năng để không có gì làm khó mình được. Có nhiều bạn để dành 100 - 200 triệu đồng, gặp tôi hỏi có nên bỏ phố về rừng. Tôi nhờ bạn đi kiếm giùm khúc củi để nướng con gà. Bạn đi kiếm mấy cái que như đồ trẻ con chơi, tôi nói bạn, thôi về đi.
Về rừng ở là phải chịu đựng những khắc nghiệt của thiên nhiên chứ không phải như thành phố mở robinet ra là có nước. Hết nước phải đi tìm nguồn nước. Đang nấu cơm mà cúp điện thì phải giải quyết bằng cách nào, phải biết nấu củi… Những điều nhỏ nhặt đó sẽ là nỗi ám ảnh với những người thiếu kỹ năng. Một ngày ở rừng rất dài vì không cà phê, không bạn bè, không điện thoại… Trồng rau thì sâu bệnh, nuôi gà thì cũng có lúc chết. Trong một xã hội ai cũng phun thuốc mà mình trồng cây tự nhiên thì đương nhiên sâu bệnh sẽ tìm đến mình”, Huy chia sẻ. Nhưng Huy cũng cười xòa rồi nói thêm, đó là lời khuyên dành cho mọi người, chứ với Huy, về rừng, sống ở rừng là Huy sống nổi, sống dễ dàng, chứ về thành phố Huy sẽ mệt mỏi, khó khăn ngay vì không chịu nổi nhịp sống đô thị.
Trên mảnh đất ven hồ ở Dak La, Huy nuôi 5 con ngựa và Huy còn có thêm 10 con đang ở trại ngựa tại Măng Đen. Nghề nuôi ngựa là nghề mới của Huy sau khi Huy tốt nghiệp điêu khắc - đại học mỹ thuật. Huy tự học, tự nghiên cứu, tự tìm hiểu mọi thứ về công việc mới này, tự đỡ đẻ cho ngựa, tự chữa bệnh cho ngựa… “Nuôi ngựa đối với tôi như một thú chơi, mình phải có đam mê rồi dành thời gian cho nó. Tiền bạc, kinh tế là những thứ sẽ đến sau”, Huy nói.
Khu vườn rộng ở Dak La là nơi những chú ngựa chạy mỗi ngày. Ở đó cũng có vườn cà phê, nơi Huy bỏ hoang ít nhất trong vài năm, để những cây cà phê thoát kiếp quen ăn phân bón, buộc phải cắm rễ sâu vào lòng đất để tìm nguồn dinh dưỡng, từ đó mạnh mẽ hơn và trở lại sinh trưởng một cách tự nhiên.
Bài: Phạm An - Ảnh: Đinh Duy - TLNV
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bo-pho-ve-rung-khong-phai-muon-la-duoc-44253.html