Báu vật Người gửi lại nhân gian…
Gần 30 năm sống và hoạt động ở nước ngoài, 24 năm trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đặt chân tới 56 quốc gia và nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S. Mỗi mảnh đất đi qua, mỗi con người từng gặp, Người luôn trao đi và nhận những tình cảm gắn bó thân tình.
Tìm hiểu về những tặng phẩm đặc biệt của nhiều nước trên thế giới tặng Bác lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, sẽ thấy mỗi món quà là một câu chuyện xúc động về tình cảm yêu kính, ngưỡng mộ của nhân dân dành cho vị cha già dân tộc.
Chuyện về chiếc đồng hồ mạ vàng
Trong nhiều lớp không gian trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, có một không gian trưng bày một số tặng phẩm của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới tặng Người được thiết kế như một bông sen vàng dâng lên Bác. Bông sen ấy là tổ hợp 15 cánh sen, mỗi cánh sen gắn nhiều hiện vật quà tặng. Đây là bộ ấm chén và bức phù điêu – tặng phẩm của Liên Xô, kia là hộp đựng thuốc lá của Nam Tư, là bình rượu và tẩu hút bằng gỗ của Hungary dành cho Người…
Dừng lại ở cánh sen thứ 10, chị Nguyễn Hồng Phúc – cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết: Đây là chiếc đồng hồ mạ vàng – quà tặng đến từ Nhật Bản kính gửi tới Bác năm 1968.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhiều đoàn ca múa nhạc dân tộc từ nhiều nước trên thế giới như Liên Xô, Ấn Độ, Tiệp Khắc,… đến thăm, biểu diễn tại Việt Nam. Trong đó đoàn ca múa dân gian của Nhật Bản sang Việt Nam biểu diễn năm 1963 đã để lại cho Người ấn tượng rất đặc biệt. Bởi đó là lần đầu tiên, một đoàn hát múa từ một nước tư bản đến biểu diễn ở nước ta.
Đến từ nước tư bản, nhưng Đoàn Oarabida là của quần chúng công nông Nhật Bản với hầu hết đoàn viên là thanh niên nông dân, công nhân, học sinh, giáo viên. Họ đã dùng lời hát, điệu múa dân gian để cổ vũ nhân dân đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ. Đầu tiên chỉ là nhóm hát múa ba người, đi hát lang thang ngoài phố, ăn đói mặc rách, thường bị bọn phản động áp bức đe dọa, nhưng họ không từ bỏ mục đích phục vụ công nông.
Dần dần nhóm hát đã phát triển thành một đoàn ca múa với hơn 100 nghệ sĩ. Họ đã có những cuộc đi về các vùng nông thôn Nhật Bản để “ba cùng” với bà con nông dân, khiêm tốn học hỏi, tìm tòi và phát triển vốn cổ nghệ thuật dân gian. Nhờ Đảng Cộng sản và quần chúng giúp đỡ, hoạt động của Đoàn ngày càng lan rộng. Chỉ trong năm 1961, Đoàn đã biểu diễn hơn 500 lần ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản và đi biểu diễn ở nước ngoài như Triều Tiên, Trung Quốc và đến Việt Nam.
Trong cuộc gặp gỡ đoàn ca múa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và nói chuyện thân mật với các nghệ sĩ trong đoàn, đặc biệt là Trưởng đoàn Haratarô - người sáng lập đoàn từ năm 1950. Người đã chụp ảnh lưu niệm và lưu luyến tạm biệt Đoàn tại Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền, Hà Nội. Trong một bài viết, Người còn giải thích rõ ý nghĩa tên gọi của đoàn ca múa Nhật Bản. Tên Oarabida có nghĩa là “Quyết thảo” - một loài hoa dại có sức sống mãnh liệt mà nhân dân miền Bắc nước Nhật rất ưa thích. Cái tên “Quyết thảo” nhấn mạnh tính quần chúng và sức trưởng thành của đoàn ca múa dân gian Nhật Bản.
Hơn 5 năm sau, cuối năm 1968, đoàn ca múa nhạc Việt Nam sang thăm và biểu diễn ở Nhật Bản. Đoàn đã biểu diễn 23 buổi chính thức tại 15 thành phố, phục vụ 76.000 người xem, tiếp xúc tọa đàm, trao đổi ý kiến với đông đảo giới giáo dục, văn hóa, văn học, nghệ thuật Nhật Bản; góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Nhật, tăng cường sự ủng hộ của nhân dân Nhật Bản đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Nhân dịp này, để đáp lại những tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đoàn, bày tỏ lòng yêu quý Người, đoàn Oarabidà đã nhờ đoàn ca múa nhạc Việt Nam chuyển tới Người món quà đặc biệt: chiếc đồng hồ mạ vàng.
Ngày 19/3/1969, chiếc đồng hồ đã được đồng chí Nguyễn Mạnh Hải là cán bộ Phòng Đối ngoại, Bộ Văn hóa chuyển đến bàn giao cho đồng chí Trần Văn Vượng – cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch để tặng Bác. Kèm theo tặng phẩm có danh thiếp ghi: “Đoàn ca múa dân gian Oarabida Nhật Bản kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Chiếc đồng hồ bằng kim loại mạ vàng hình chữ nhật, cao 29cm. Viền khung đồng hồ phía dưới và phía trên trang trí họa tiết hoa anh đào – biểu tượng đặc trưng của đất nước Nhật Bản. Trên cùng có hình lư hương và viên hồng ngọc mang vẻ đẹp thanh tao, cao quý. Mỗi chi tiết đều do các nghệ nhân Nhật Bản thiết kế và chế tác, làm nên chiếc đồng hồ với chất lượng bền bỉ và nét đẹp mang đậm nét văn hóa và lịch sử của ngành đồng hồ Nhật Bản. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Văn phòng Phủ Chủ tịch đã giao lại khối tặng phẩm của Người cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để lưu giữ, bảo quản, phát huy giá trị lâu dài. Hiện vật đã được vào sổ và nhập kho ngày 8/5/1970. Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành 19/5/1990, chiếc đồng hồ của các nghệ sĩ Nhật Bản kính tặng Người đã trở thành hiện vật trưng bày từ đó tới nay.
Hành trình đặc biệt của bức tượng Bác Hồ
Ngày 1/12/2019 là một ngày đặc biệt, khi ông Paul Miniconi – một người Pháp cùng nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao tặng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Nguyễn Thiệp - Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp. Bức tượng bán thân được làm bằng thạch cao, cao khoảng 30cm khắc họa hình ảnh Bác Hồ với vầng trán, chòm râu hiền từ sau đó đã được chuyển về Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, lưu giữ. Kỷ vật này xuất xứ từ đâu, tại sao lại có mặt trên đất Pháp? Đó là một câu chuyện dài và nhiều xúc động.
Ông Paul Miniconi trao lại bức tượng đó cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam theo di nguyện của người cha là Paul Atoine Miniconi trước lúc qua đời. Cha ông trước kia đã được cử sang Việt Nam làm giám ngục tại nhà tù Côn Đảo từ năm 1920 đến năm 1952. Giám ngục Paul Atoine Miniconi được giao nhiệm vụ giữ chìa khóa các khám, banh; canh gác, đi tuần và quản lý tù nhân tại một số banh của nhà tù Côn Đảo.
Trong quá trình làm việc, giám ngục Paul Atoine Miniconi nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường ở những người tù cộng sản bị giam ở đây. Họ đang cố cất giấu một vật gì đó rất quan trọng. Nghi là vũ khí, giám ngục Paul Atoine Miniconi tổ chức khám xét một phòng giam. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược với suy đoán ban đầu, bí mật của những người tù không phải là vũ khí mà là một bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng cách nào đó, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, các chiến sỹ cách mạng đã bí mật mang theo bức tượng ra Côn Đảo và cất giấu.
Thời điểm đó, Côn Đảo được coi là địa ngục trần gian, là nơi đày đọa khổ sai các chiến sỹ Cộng sản nhằm làm giảm đi ý chí cách mạng của họ. Vượt qua sự tra tấn gắt gao, rất nhiều chiến sỹ cách mạng đã kiên cường đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng. Trong chốn ngục tù tăm tối, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với những tù nhân cộng sản. Để có tấm hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bí mật chào cờ, kết nạp Đảng, các chiến sỹ tù Côn Đảo đã vẽ, thêu hình Người theo trí tưởng tượng, tìm mọi cách cất giữ trước sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù. Và bức tượng Hồ Chí Minh là minh chứng cho tinh thần thép ấy.
Ông Paul Atoine Miniconi đã rất kinh ngạc, thán phục trước tình cảm, sự kính trọng và niềm tin tưởng tuyệt đối của những người tù cộng sản ở Côn Đảo dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông hiểu rằng cội nguồn của niềm tin và sức mạnh vô song của những người tù cộng sản bắt nguồn từ lý tưởng cách mạng, tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và với Đảng Cộng sản Việt Nam. Là một người yêu nghệ thuật, ông quyết định giữ bức tượng đó như một kỷ niệm về quãng thời gian hơn 30 năm làm việc tại Côn Đảo.
Năm 1952, ông trở về quê nhà đảo Corse (Pháp) sinh sống và làm việc. Trong hành trang về nước, ông âm thầm mang theo bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và trân trọng gìn giữ trong gia đình trong suốt thời gian dài. Trước khi mất, ông Paul Atoine Miniconi đã trao lại bức tượng cho con trai Paul Miniconi với mong muốn bức tượng được trở về Việt Nam.
Sau 67 năm được lưu giữ ở Pháp, bức tượng quý đã về với nhân dân Việt Nam, lần đầu tiên được trưng bày và giới thiệu với công chúng nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2020). Một điều hết sức thú vị và trùng hợp là Đại sứ Nguyễn Thiệp - người tiếp nhận bức tượng chính là con trai của một người tù cộng sản từng bị giam giữ tại Nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn ông Paul Antoine Miniconi làm giám ngục. Và người trao lại bức tượng là con trai của cai ngục Paul Atoine Miniconi cũng từng có thời gian sống ở nơi cha làm việc tại Côn Đảo. Hai người con của hai người cha từng thuộc về hai chiến tuyến đã trao cho nhau kỷ vật thiêng liêng chứa đựng những giá trị ngời sáng về niềm tin vào Đảng, Bác Hồ.
Vượt qua khoảng cách không gian và thời gian, bức tượng đã trở thành một trong rất nhiều báu vật của nhân dân Việt Nam. 55 năm đã trôi qua kể từ khi Người về với thế giới người hiền, thế hệ cháu con hôm nay vẫn thấm nhuần bài học ý nghĩa từ những báu vật mà Người gửi lại nhân gian.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/bau-vat-nguoi-gui-lai-nhan-gian-i742006/