Ðại ngàn nối liền những niềm vui
Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
1.
Cuối tháng 6.2025, chúng tôi về xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) gặp Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương (86 tuổi, người Bana). Câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh sự đón nhận của đồng bào vùng cao về việc hợp nhất hai tỉnh Bình Định - Gia Lai.

Vợ chồng cụ Đinh Chương hào hứng chia sẻ niềm vui hướng về tỉnh Gia Lai mới. Ảnh: H.THU
Tiến về cửa nhà sàn, cụ Đinh Chương chỉ tay về dãy núi không xa tầm mắt, thuộc địa phận xã Sơ Pai (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), cho biết, thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhiều người dân làng Konblo (nay là làng K8) đã vượt núi qua xã Sơ Pai, cùng chung tay lập các làng mới sinh sống bên đó.
Cụ Đinh Thị Trí (80 tuổi, người Bana), vợ cụ Đinh Chương, cũng hào hứng chia sẻ mình có nhiều bà con sống ở xã Sơ Pai. Mỗi khi hai bên có việc gì quan trọng, bà con đều tìm về với nhau.
“Từ làng K8 nếu đi đường đồi núi thì ai có sức khỏe cũng mất một buổi mới có thể đến xã Sơ Pai thăm bà con và ngược lại. Mai này sẽ càng sung sướng nếu tỉnh Gia Lai (mới) quan tâm làm con đường kết nối hai xã, việc qua lại sẽ thuận tiện hơn rất nhiều...”.
Mối quan hệ thân tình, giao lưu giữa đồng bào Bana ở 2 xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) - từ ngày 1.7.2025 sẽ hợp nhất thành xã Vĩnh Sơn (mới) - với 2 xã giáp ranh Sơ Pai, Sơn Lang ở huyện Kbang - từ ngày 1.7.2025 sẽ hợp nhất thành xã Sơn Lang (mới) - không chỉ có lớp người lớn tuổi, mà còn được tiếp nối ở các thế hệ trẻ sau này.
“Ngày 24.6 vừa qua, cháu gái tôi ở làng K8 đã về làm dâu nhà chồng tại làng Hà Nừng (xã Sơn Lang), đều ở trong tỉnh Gia Lai (mới) nên càng thấy vui hơn. Đồng bào Bana vùng giáp ranh ở hai tỉnh hiện nay cơ bản giống nhau về phong tục, tập quán, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mai mốt cùng chung tỉnh càng thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu, truyền dạy, cùng bảo tồn và phát huy vốn quý của ông bà trao truyền lại”, cụ Đinh Chương vui vẻ nói.
2.
Từ làng K8 đi hơn 5 km nữa là đến làng K2 - nơi gần nhất ở xã Vĩnh Sơn có thể đi đến xã Sơn Lang qua con đường xuyên rừng do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Bình Định) đầu tư làm cách đây đã nhiều năm, nhằm phục vụ việc đi kiểm tra khu vực đập chính hồ B (thuộc địa phận xã Sơn Lang) của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn (hiện thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh).

Tuyến đường xuyên rừng kết nối làng K2 (Vĩnh Sơn) và làng Hà Nừng (Sơn Lang). Ảnh: H.THU
Con đường dài khoảng 17 km nối Vĩnh Sơn - Sơn Lang mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, đường chỉ có một đoạn được đổ bê tông, trong đó nhiều chỗ đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, còn lại là khá nhiều đoạn đường đất đỏ len lỏi giữa những cánh rừng xanh bạt ngàn.
Đi hết con đường này, đến điểm đầu làng Hà Nừng là khu vực đập chính hồ B, nơi từ lâu sự gắn kết Bình Định- Gia Lai đã hiển hiện trong nguồn nước đại ngàn cấp cho Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn hoạt động (từ năm 1994). Đây là nhà máy thủy điện có quy mô lớn đầu tiên ở miền Trung và Tây Nguyên, góp phần giải quyết nhu cầu về điện cho vùng lõm và ổn định chất lượng điện cho hệ thống điện quốc gia.
Chúng tôi dừng chân tham quan ở điểm đầu của làng Hà Nừng (xã Sơn Lang), nơi có nhiều trang trại, khu vườn trồng mắc ca, chanh dây, cam, quýt, ổi, sầu riêng..., trò chuyện và nghe bà con nông dân nơi đây bày tỏ niềm vui hợp nhất hai tỉnh Bình Định - Gia Lai, cùng sự kỳ vọng tỉnh Gia Lai (mới) sẽ quan tâm tạo cú hích phát triển nông nghiệp địa phương.

Ông Đinh Văn Mừng đang hái chanh dây. Ảnh: H.THU
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dai-ngan-noi-lien-nhung-niem-vui-post331082.html