Dừng gom rác bằng xe điện: Bước đi lùi hay áp lực chuyển đổi?

Tháng 4, UBND tỉnh có Văn bản số 1576 về việc dừng sử dụng xe ba bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai. Đồng nghĩa với đó, 60 xe điện 3 bánh của đơn vị này dừng hoạt động, công nhân sẽ quay lại sử dụng xe gom (xe đẩy 3 bánh) để gom rác.

Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt tại 4 địa phương là thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát và huyện Bắc Hà, trung bình lượng rác phải thu gom khoảng 160 tấn/ngày, trong đó nhiều nhất là thành phố Lào Cai (hơn 100 tấn/ngày).

Bắt đầu từ 2017, công ty thí điểm loại hình xe điện 3 bánh thu gom rác tại một số tuyến phố. Những chiếc xe điện 3 bánh có gắn thùng chứa phía sau để gom rác đã góp phần bảo đảm sức khỏe và giải phóng sức lao động cho công nhân. Thực tế cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong thu gom rác thải bằng xe điện đã tăng năng suất lao động, nhanh chóng giải quyết các điểm tập kết rác trên đường phố.

Trước hiệu quả đó, công ty đã áp dụng mô hình thí điểm sử dụng hơn 60 xe 3 bánh chạy bằng động cơ điện thu gom, vận chuyển rác thải. Bên cạnh các xe đẩy bằng tay truyền thống, xe điện được sử dụng để thu gom, vận chuyển rác tại một số xã, phường có phạm vi thu gom rộng, vị trí bố trí ga rác hạn chế.

Mặc dù có nhiều ưu điểm và năng suất hơn xe đẩy tay nhưng mô hình này chưa thể chính thức áp dụng do không đủ điều kiện về tính pháp lý. Do đó, sau nhiều năm triển khai, việc gom rác bằng xe điện 3 bánh vẫn chỉ dừng ở mô hình thí điểm.

Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì chưa có quy định đối với việc sử dụng xe điện 3 bánh hoặc xe gắn máy 3 bánh phục vụ việc thu gom rác thải.

Chị Trương Thị Lan Anh có nhiệm vụ thu gom rác thải tại khu vực phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai). Mọi ngày, nếu sử dụng xe điện, chị có thể hoàn thành công việc trước 18 giờ, thì nay khi quay trở lại dùng xe đẩy, công việc của chị không những nặng nhọc hơn, mà thời gian hoàn thành cũng trễ hơn 2 giờ so với trước.

Tương tự, chị Mã Thị Liên có nhiệm vụ thu gom rác tại phường Bắc Cường cũng đã chuyển từ xe điện sang dùng xe đẩy tay gần 1 tháng nay. Chị Liên so sánh: Gom rác bằng xe điện thì nhanh hơn, gom được nhiều hơn. Mỗi chuyến, 1 xe điện gom được hơn 2 xe đẩy mà thời gian chỉ bằng một nửa. Dùng xe đẩy mất nhiều sức, nhiều thời gian, lúc đẩy xe thì hít phải mùi rác thải, không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với những tuyến đường có độ dốc lớn thì việc chuyển từ xe điện sang xe đẩy rất vất vả.

Khi thông tin dừng hoạt động các xe điện 3 bánh thu gom rác thải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Lào Cai đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi. Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc cơ giới hóa được áp dụng trong nhiều ngành nghề để giải phóng sức lao động của con người cũng như tăng hiệu quả công việc thì việc dừng sử dụng xe điện chuyển sang xe đẩy bằng sức người là một “bước đi lùi”.

Cũng có nhiều ý kiến đồng tình bởi tinh thần thượng tôn pháp luật, với quan điểm bất cứ phương tiện nào khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ các quy định hiện hành.

Vậy, việc dừng sử dụng xe điện 3 bánh để gom rác là quy định bắt buộc thì doanh nghiệp phải làm sao để có thể “cơ giới hóa” việc thu gom rác thải? Thực tế đó đã tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải có những thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển chung cũng như quy định của pháp luật.

Theo ông Trần Quang Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Lào Cai, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan hữu quan về việc nghiên cứu bổ sung quy định đối với xe điện 3 bánh sử dụng để vận chuyển chất thải. Tuy nhiên cho đến nay, tính pháp lý cho loại xe này vẫn chưa hoàn thiện. Doanh nghiệp vẫn đau đáu nguyện vọng các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, cho phép thực hiện mô hình này.

Trước mắt, doanh nghiệp đã đặt hàng bổ sung 200 xe gom rác 3 bánh (xe đẩy) để thay thế các xe điện buộc phải dừng hoạt động.

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan hữu quan về việc nghiên cứu bổ sung quy định đối với xe điện 3 bánh sử dụng để vận chuyển chất thải. Tuy nhiên cho đến nay, tính pháp lý cho loại xe này vẫn chưa hoàn thiện.

Hội đồng cổ đông của doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn phương án thu gom rác mới, mục tiêu lớn nhất vẫn là hướng tới việc cơ giới hóa hình thức thu gom cũng như tính toán lại phương án nhân lực để đảm bảo tiến độ thu gom trong bối cảnh dừng xe điện.

“Chúng tôi đang xây dựng phương án đầu tư thêm xe ô tô cuốn, ép rác, ô tô gom rác cỡ nhỏ, cỡ vừa để nâng cao hiệu quả giải phóng rác tập kết sau thu gom trên các tuyến phố, khu đô thị. Nguồn lực đầu tư cho sự chuyển đổi sẽ rất lớn, riêng chi phí về phương tiện dự kiến khoảng 20 tỷ đồng để thay thế những chiếc xe điện trước đó” - ông Toàn cho biết thêm.

Bên cạnh việc đầu tư trang - thiết bị để hiện đại hóa việc thu gom rác thải, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Lào Cai cũng kiến nghị được bố trí thêm quỹ đất để làm các điểm tập kết rác thải tạm thời, để việc thu gom được thuận lợi khi khối lượng rác thải cần được thu gom, xử lý ngày càng tăng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dung-gom-rac-bang-xe-dien-buoc-di-lui-hay-ap-luc-chuyen-doi-post384100.html