Tổ hợp phòng thủ tên lửa Arrow-3 đánh chặn mục tiêu như thế nào?

Trong đợt tập kích tên lửa của Iran nhằm vào Israel trung tuần tháng 4-2024, tổ hợp phòng thủ tên lửa Arrow-3 đã chứng minh giá trị khi đánh chặn hiệu quả các mục tiêu ở tầng ngoại vi khí quyển Trái đất.

Tổ hợp lá chắn tên lửa Arrow-3.

Vậy tổ hợp lá chắn tên lửa của Israel hoạt động ra sao để có được hiệu suất đánh chặn cao như vậy.

Một trong những thành phần quan trọng của tổ hợp Arrow-3 chính là hệ thống radar đa năng Super Green Pine với tầm giám sát đạt hơn 1.000km và chỉ thị mục tiêu cho tên lửa đánh chặn. Khi phát hiện ra mục tiêu tên lửa đối phương, hệ thống sẽ chuyển tín hiệu tới trung tâm chỉ huy để phân tích và lên phương án đánh chặn.

Khi lệnh phóng được phát đi, các tên lửa Arrow-3 trên xe phóng sẽ rời bệ. Với tốc độ tối đa đạt tới Mach 20, đạn tên lửa sẽ đánh chặn các mục tiêu khí động ở tầng ngoại vi khí quyển Trái đất. Sau khi bay lên không trung, đạn tên lửa Arrow-3 sẽ cập nhật lại vị trí của mục tiêu từ đài chỉ huy và thả thiết bị đánh chặn ở độ cao thích hợp khoảng hơn 100km.

Thiết bị đánh chặn bằng cảm biến quang - hồng ngoại thế hệ mới sẽ tìm kiếm và khóa mục tiêu trong quỹ đạo. Mục tiêu sau đó sẽ bị phá hủy bởi đầu đạn nổ phá mảnh nặng 150kg.

Arrow-3 cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa của đối phương khi chúng bắt đầu hồi quyển. Việc đánh chặn ở ngoài rìa khí quyển giúp giảm ảnh hưởng của các loại đầu đạn sinh - hóa - hạt nhân tới mục tiêu được bảo vệ trên mặt đất.

Arrow-3 hiện đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh quốc gia của Israel và góp phần ngăn chặn các mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố và quốc gia thù địch.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất IAI, tổ hợp Arrow-3 có hiệu suất và tỷ lệ đánh chặn tốt hơn so với các thế hệ phòng thủ tên lửa trước đó nhờ việc sử dụng cảm biến quang - hồng ngoại thế hệ mới. Đầu đạn dạng này cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa của đối phương khi nó vừa tiếp cận trở lại bầu khí quyển Trái đất.

Tổ hợp Arrow-3 đã minh chứng hiệu quả trong đợt tập kích tên lửa vừa qua của Iran nhằm vào Israel. Ảnh: Getty

Về cơ bản, tổ hợp Arrow-3 chính là phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa đánh chặn trước đó Arrow-2. Điểm ưu việt của Arrow-3 là nó được thiết kế đánh chặn các đạn tên lửa của đối phương ở độ cao lên tới 100km và kết cấu hệ thống nhỏ gọn hơn. Giá thành của mỗi đạn tên lửa đánh chặn trong tổ hợp Arrow-3 ước tính tới 2,2 triệu USD.

Cơ cấu của mỗi tổ hợp Arrow-3 gồm: Hệ thống ra-đa cảnh giới EL / M-2080 Super Green Pine cung cấp khả năng giám sát ở phạm vi 1.000km; trung tâm điều khiển Citron Tree; trung tâm giám sát phóng đạn Heyzelnat Tree và các xe phóng với 6 đạn tên lửa trên mỗi xe. Nhờ sự tương thích về công nghệ, các tổ hợp Arrow-3 và Arrow-2 có thể kết nối với nhau để tăng phạm vi giám sát và tỷ lệ đánh chặn thành công.

Tổ hợp Arrow-3 sẽ là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Nó sẽ kết hợp tác chiến với các tổ hợp Arrow-2 (tầm xa), Davids Sling (tầm trung) và Iron Dome (tầm ngắn) để bảo vệ lãnh thổ Israel.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/to-hop-phong-thu-ten-lua-arrow-3-danh-chan-muc-tieu-nhu-the-nao-774710