Tây Ninh công bố vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi

Được công nhận vùng an toàn dịch bệnh, không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gia cầm cho tỉnh Tây Ninh, mà còn là động lực quan trọng để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.

Ngày 19/5, tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện: Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal; Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030...

Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành; đại diện lãnh đạo hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công nhận vùng dịch bệnh an toàn tỉnh Tây Ninh. Ảnh: BTC

Các đại biểu thực hiện nghi thức công nhận vùng dịch bệnh an toàn tỉnh Tây Ninh. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn là một trong những dự án được lãnh đạo tỉnh quan tâm và hết sức ủng hộ, bởi đây là dự án áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, và Bỉ.

"Dự án áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành. Điều này hoàn toàn phù hợp với Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ" - ông Ngọc nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh được lãnh đạo tỉnh quan tâm, ủng hộ. Ảnh: BTC

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh được lãnh đạo tỉnh quan tâm, ủng hộ. Ảnh: BTC

Về phía ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự năng động, nhạy bén của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong hoạt động kêu gọi và thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp: “Giá trị cốt lõi của sự kiện không chỉ là hoạt động tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh, mà còn là hình mẫu của mô hình phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt” - ông Tiến khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự năng động, nhạy bén của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong ứng dụng nông nghiệp cao nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: BTC

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự năng động, nhạy bén của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong ứng dụng nông nghiệp cao nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: BTC

Chia sẻ lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc toàn cầu De Heus cũng đánh giá, Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, ông Gabor Fluit cũng chia sẻ thêm về 7 dự án trọng điểm thuộc giai đoạn 2 của dự án DHN Tây Ninh gồm: hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu, và nhà máy chế biến thực phẩm. Đây là những dự án quan trọng của chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn.

Một trong những hoạt động bên lề mang nhiều ý nghĩa nhân văn của chuỗi sự kiện ngày 19/5 là Quỹ từ thiện DHN đã phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh trao tặng 500 triệu đồng cho các hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương của huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Bên cạnh đó, Quỹ từ thiện DHN cũng trao sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Năm và 10 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn của huyện Tân Châu.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tay-ninh-cong-bo-vung-an-toan-dich-benh-chan-nuoi.html