Khắc phục tình trạng giảm cân xong rồi tăng trở lại

Tất cả chế độ ăn kiêng đều có tác dụng, nhưng chỉ trong vòng hai tháng. Sau thời điểm đó, chúng sẽ không còn hiệu quả với nhiều người.

 Ảnh minh họa. Nguồn: DPMI.

Ảnh minh họa. Nguồn: DPMI.

Có tới 45 triệu người Mỹ trưởng thành (khoảng 23% dân số) thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm cân mỗi năm. Tuy nhiên, dựa trên con số 40% dân số trưởng thành mắc béo phì, và vẫn tiếp tục tăng, thì rõ ràng là điều đó không thành công cho lắm.

Với nỗ lực nhằm xác định chế độ ăn kiêng nào hiệu quả nhất, Nghiên cứu Giảm cân Từ A đến Z được thực hiện vào năm 2007 của Christopher Gardner đã đánh giá bốn chế độ ăn kiêng riêng biệt gồm: chế độ ăn Atkins (nhiều chất béo, ít carb), chế độ ăn LEARN (ít calo), chế độ ăn Ornish (rất ít chất béo, nhiều chất xơ) và chế độ ăn Zone (carb được chế biến ở mức thấp, protein nạc).

Nghiên cứu này cho thấy hai điều: Tất cả chế độ ăn kiêng đều có tác dụng, nhưng chỉ trong vòng hai tháng. Sau thời điểm đó, chúng sẽ không còn hiệu quả nữa. Nói cách khác, hầu hết mọi người không đủ cảnh giác để tiếp tục gắn bó với nó và dần quay trở lại với thói quen ăn uống ban đầu. Tới năm 2018, Gardner tiếp tục đào sâu vấn đề bằng nghiên cứu DIETFITS, trong đó so sánh chế độ ăn ít chất béo (48% card, 29% chất béo) với chế độ ăn ít carb (30% carb, 29% chất béo).

Bất chấp những hạn chế nêu trên, ông đã chỉ ra rằng, nhìn chung vấn đề không nằm ở việc bạn lựa chọn áp dụng chế độ ăn kiêng nào, ít chất béo hay ít carb, miễn sao bạn ăn thực phẩm thật và không quay trở lại với thực phẩm tiện lợi, đã được chế biến sẵn thì bạn đều sẽ giảm được cân nặng như nào. Điều quan trọng cần lưu ý là cả hai chế độ ăn kiêng này đều có chung hai ưu điểm: ít đường và nhiều chất xơ.

Bạn cũng phải tính đến các tình trạng bệnh tật cũng như yếu tố di truyền khác để xác định chế độ ăn nào hiệu quả nhất cho từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, nếu bạn mắc bệnh tăng cholesterol máu có tính gia đình (tỷ lệ mắc là 1/500 người) hoặc bệnh tăng chylomicron máu có tính gia đình (còn được gọi là tăng lipoprotein máu loại 5; với tỷ lệ mắc là 1/20.000 người), bạn cần thực hiện chế độ ăn ít chất béo và dùng thuốc statin, nếu không nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên rõ rệt, bất kể cân nặng của bạn là bao nhiêu.

Ngược lại, nếu bị kháng insulin (cứ hai người thì có một người mắc), bạn có thể cần hạn chế đường và carbohydrate tinh chế để giảm nguy cơ mắc bốn trong tám loại bệnh lý nội bào (phản ứng glycation, stress oxy hóa, rối loạn chức năng ty thể và kháng insulin). Tuy nhiên, nếu đang mắc tiểu đường tuýp 2 (cứ 10 người có một người mắc), bạn có khả năng phải tránh hoàn toàn carbohydrate trong một khoảng thời gian, hoặc có thể chọn nhịn ăn gián đoạn.

Nhưng bất kể trận chiến giữa carb và chất béo trong các chế độ ăn ra sao chăng nữa, vấn đề thực sự vẫn nằm ở cuộc chiến giữa thực phẩm tiện lợi và thực phẩm thật.

Các chế độ ăn đều hiệu quả nếu bạn dùng thực phẩm thật. Bởi chúng ít đường và nhiều chất xơ, giúp làm giảm insulin; nó giữ gan khỏe và đường ruột tốt. Lưu ý là mỗi người trong chúng ta đều có khuynh hướng di truyền, hệ vi sinh vật đường ruột và gan khác nhau, vì vậy sẽ có chế độ ăn hiệu quả với người này mà không hiệu quả với người kia.

Robert H. Lustig & NXB Thanh Niên/Huy Hoàng Book

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-quyet-kieng-cac-nha-dinh-duong-khong-cho-ban-biet-post1476199.html