'Sống ảo' cũng cần có văn hóa

Hiện nay, việc chụp những bức ảnh đẹp và lạ để đăng trên trang cá nhân đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hiện tượng nhiều người tập thể thao, nhảy múa giữa đường; hoặc sử dụng trang phục không phù hợp nơi công cộng gây phản cảm đang mang đến nhiều suy ngẫm về vấn đề văn hóa.

Câu view, sống ảo bất chấp tính mạng

Thời gian qua, dư luận xôn xao việc không ít nhóm đi xe đạp, chạy bộ, tập yoga giữa đường gây ảnh hưởng giao thông; sử dụng trang phục khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm. Đặc biệt, những ngày gần đây, tranh luận “nóng” hơn khi các tài khoản trên MXH đăng tải hình ảnh về một nhóm người trải thảm giữa đường tập yoga hay trèo lên nóc xe ô tô chụp ảnh biểu diễn động tác yoga với hoa bằng lăng tím…

Nhóm người chụp ảnh khi luyện tập yoga với hoa bằng lăng tím. Ảnh: MXH

Nhóm người chụp ảnh khi luyện tập yoga với hoa bằng lăng tím. Ảnh: MXH

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tập yoga giữa đường hay đạp xe trên đường cao tốc cho thấy đang có một trào lưu độc hại lan truyền trên MXH, được thực hiện chỉ để làm trò mua vui, “câu like”, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.

Những người tham gia giao thông trên đường có thể không lường trước được tình huống có những nhóm người đứng chụp ảnh, từ đó có thể gây ra các vụ tai nạn. Khi những hành vi đó được đưa lên MXH, cơ quan chức năng đã xử lý, đây là động thái kịp thời để ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra.

Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Tạ Đức Giang

Điều đáng nói, hành động vô ý thức này lại đang được khích lệ trên một số nền tảng, trong đó có TikTok, YouTube thông qua việc gợi ý hiển thị tới người xem liên tục. Vấn nạn “câu view”, “sống ảo” đã lan từ MXH đến từng nhóm người. Ở bất kể chỗ nào, người ta cũng có thể biến thành sân khấu sân khấu trình diễn các màn tập thể thao, nhảy múa...

Gần đây, có một điểm khác trong trào lưu độc hại này là đối tượng diễn xuất hiện ở video đa phần là người đã có tuổi, thay vì nhóm người trẻ, những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với nội dung và các xu hướng. Điều này cho thấy, những trào lưu độc hại có thể tấn công bất kỳ ai trên MXH, không phân biệt độ tuổi, giới tính.

Nhóm phụ nữ chiếm đường, nhảy nhót trước đầu ô tô ở Đà Lạt. Ảnh: MXH

Nhóm phụ nữ chiếm đường, nhảy nhót trước đầu ô tô ở Đà Lạt. Ảnh: MXH

Nhiều ý kiến cho rằng, sự nổi lên của MXH đang khiến một bộ phận người dân bất chấp để có được một hình ảnh, clip theo ý muốn. Động lực xuất phát từ việc “đói” nội dung để đăng lên các nền tảng kiếm tiền từ lượt xem; hoặc đơn giản hơn là do “nghiện sống ảo”.

Nghiêm trị hành vi vi phạm pháp luật

Chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm là một nét văn hóa đã có từ lâu. Nhưng nếu đằng sau bức ảnh đẹp là một hành vi thiếu thượng tôn pháp luật, thiếu ý thức cộng đồng hay hành vi phản văn hóa thì cần phải ngăn chặn, thậm chí loại bỏ.

Một clip trẻ em nhảy múa khi qua đường ngay nút giao thông cầu Rồng, Đà Nẵng. Ảnh: MXH

Một clip trẻ em nhảy múa khi qua đường ngay nút giao thông cầu Rồng, Đà Nẵng. Ảnh: MXH

Nhìn nhận hiện tượng ở góc độ văn hóa, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức cho rằng: “sống ảo” chỉ là một thuật ngữ thời thượng, bởi việc sống ảo vẫn đang diễn ra trước mắt mọi người. Dần dần, chúng ta nên nhìn nhận, cuộc sống của con người gắn liền với internet. Vì vậy, trên mạng MXH, chúng ta cần sống tử tế, ứng xử có văn hóa bởi điều đó gắn với từng con người cụ thể”.

TS Nguyễn Viết Chức cũng ủng hộ việc cơ quan chức năng xử phạt nghiêm minh các hành vi xếp hàng giữa đường chụp ảnh, đạp xe vào đường quốc lộ… “Ở góc độ là một công dân, tôi cho rằng chúng ta phải thượng tôn pháp luật. Đi xe đạp, đi bộ cũng phải tuân thủ qui định, nếu không đem lại những hệ luy khó lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng” – TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Không chỉ những người trực tiếp tham gia giao thông, chuyên gia văn hóa lên tiếng về vấn nạn này, các nhà quản lý, huấn luyện viên thể thao cũng bày tỏ quan điểm liên quan đến hiện tượng “câu view”, “sống ảo” vừa qua. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Đức Dũng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga TP Hà Nội – Giám đốc Học viện Yoga Trị liệu Việt Nam bày tỏ: "Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những hình ảnh như đứng giữa đường tạo dáng chụp ảnh gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tại nạn giao thông. Hay việc mặc đồ tập không đúng quy định, tạo dáng phản cảm tại những địa điểm văn hóa, khu tâm linh... là điều hết sức nên tránh. Việc chụp ảnh, hay tập luyện ngoài đường cần phải tuân thủ quy tắc, quy định, của cơ quan Nhà nước”.

Về chuyện môn, TS Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm, trong tập luyện yoga, với một người tập chân chính, việc đầu tiên là phải hiểu được triết lý yoga và 8 bước trong con đường rèn luyện. Trong đó 2 bước đầu tiên mà một người yoga cần nắm được đó là sự tu dưỡng cá nhân và ứng xử, trách nhiệm với cộng đồng.

Có thể thấy, từ những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến lối “sống ảo”, trào lưu "câu like” trên MXH xảy ra liên tiếp thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề, nếu không xử nghiêm vi phạm, xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thiếu định hướng trong sử dụng MXH của một bộ phận cư dân, sẽ là một hệ lụy lớn cho xã hội.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/song-ao-cung-can-co-van-hoa.html