Sầu riêng xuất khẩu giá trị cao nhưng bị nhiều cảnh báo

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của Nghị định thư từ cơ sở trồng đến đóng gói sầu riêng.

Tại Hội nghị “sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững” do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: Nhờ mở cửa được thị trường Trung Quốc nên doanh thu xuất khẩu sầu riêng đã tăng từ 420 triệu USD năm 2022 lên tới 2,24 tỉ USD trong năm 2023. Đáng nói, tiềm năng phát triển của ngành hàng này còn rất lớn. Tổng dung lượng thị trường toàn cầu năm 2023 lên tới 25 tỉ USD có thể tăng đến 46 tỉ USD vào năm 2032.

Trong đó, Trung Quốc chiếm 80% dung lượng thị trường. Tại Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 2 sau Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc cũng ký Nghị định thư với nhiều nước như Philippines, Indonesia, Malaysia… Nhưng vấn đề quan trọng hơn là ngành sầu riêng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn nội tại cần phải vượt qua.

Cụ thể theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của Nghị định thư từ cơ sở trồng đến đóng gói.

Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng mang về 2,24 tỉ USD

Thậm chí nhiều tỉnh diện tích trồng sầu riêng lớn nhưng vi phạm quy định nhiều lần.

Cụ thể có 115 mã số vùng trồng và 72 cơ sở đóng gói vi phạm quy định, trong số này có 35 mã số vùng trồng và 29 cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần, nguy cơ đối diện việc tạm ngừng xuất khẩu. Việc theo dõi quản lý cấp mã số cũng như giám sát các cơ sở này sau khi được cấp mã số đã được phân cấp về địa phương cấp tỉnh nhưng một số nơi buông lỏng quản lý.

"Các tỉnh có số lượng mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát thấp như Đắk Nông 0%, Bình Phước là 1,6%, Vĩnh Long 5%, Bình Thuận chỉ 12%, Hậu Giang 27%... Chỉ một số địa phương thực hiện khá tốt như Lâm Đồng đạt 100%, Gia Lai 75,9% và Đắk Lắk 72,1%. Việc thực hiện giám sát các cơ sở đóng gói cũng tương tự", ông Đạt thông tin.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho hay, nguyên nhân của vấn đề quản lý chất lượng là nhân lực không đủ và xuất phát từ cấp huyện.

Ông Sinh cũng như đại diện nhiều tỉnh kiến nghị cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành sầu riêng liên thông trên toàn quốc để thuận tiện trong việc giám sát và phối hợp xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, khâu thu hoạch hiện nay có nhiều vấn đề và Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo sầu riêng được thu hoạch đúng tuổi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung thừa nhận, thời gian qua, việc quản lý chất lượng sầu riêng của chúng ta chưa được tốt. Ngoài việc vi phạm các quy định của Nghị định thư thì các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất cũng đã được cảnh báo.

Ngoài ra, tình trạng thiếu liên kết, tranh mua tranh bán dẫn đến chất lượng không được đảm bảo, đặc biệt là khâu thu hoạch có vấn đề rất lớn. Có tình trạng trái sầu riêng bổ ra không có màu và mùi vị đặc trưng.

Các địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói, cũng như tuyên truyền người dân, doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Những vấn đề liên quan đến giống, quy định của pháp luật Cục sẽ tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ cũng như tham mưu cho cấp cao hơn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sau-rieng-xuat-khau-gia-tri-cao-nhung-bi-nhieu-canh-bao-post576057.antd