Rà soát, bổ sung thẩm quyền cho CSGT xử lý xe quá tải, quá khổ

Để khắc phục sự chồng chéo nhiệm vụ giữa lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông, Thường vụ Quốc hội đã đề nghị rà soát, bổ sung một số thẩm quyền cho CSGT trong xử lý vi phạm.

Chiều 22-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới, cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của CSGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với các xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, xe quá tải, quá khổ lưu hành trên đường bộ để khắc phục sự chồng chéo về nhiệm vụ kiểm soát, xử lý vi phạm giữa lực lượng CSGT và thanh tra giao thông.

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung vào Điều 49, Điều 52, Điều 53, nội dung lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với các xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, xe quá tải, quá khổ khi lưu hành trên đường bộ để khắc phục sự chồng chéo nhiệm vụ giữa lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông. Đồng thời, bổ sung khoản 3 Điều 71 nội dung quy định về hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông của lực lượng Thanh tra giao thông.

Về vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Mặt khác, Chính phủ đã chỉ đạo đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT về giao thông đường bộ, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT. Do đó, để khắc phục tình trạng có quá nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thì nên quy định theo hướng giao lực lượng CSGT chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác này.

Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ cũng quy định hoạt động tuần tra, kiểm soát được giao lực lượng CSGT chịu trách nhiệm; Luật Đường bộ quy định Thanh tra giao thông thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ.

“Như vậy các quy định này đảm bảo không trùng chéo nhiệm vụ giữa hai lực lượng” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay và đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung quy định tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông của lực lượng Thanh tra giao thông vào Luật này.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, có ý kiến đề nghị bổ sung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tham gia tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông.

Thường vụ Quốc hội cho rằng theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng này là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng có nhiệm vụ hỗ trợ Công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động. “Lực lượng này không có nhiệm vụ tham gia phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát giao thông” – Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như tại khoản 3 Điều 65 dự thảo Luật.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/ra-soat-bo-sung-tham-quyen-cho-csgt-xu-ly-xe-qua-tai-qua-kho-post791954.html