Phát triển TP.HCM thành 5 vùng đô thị, không gian dọc sông Sài Gòn là điểm nhấn

Theo định hướng, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng gồm phân vùng đô thị trung tâm; đô thị phía Đông; đô thị phía Bắc-Tây Bắc; đô thị phía Tây và đô thị phía Nam. Đồ án cũng hướng tới việc xây dựng quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn, tạo bước đột phá trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi...

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, nối TP. Thủ Đức và Quận 1 Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, nối TP. Thủ Đức và Quận 1 Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Ngày 19.5, Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) thảo luận, quyết định một số vấn đề cấp bách, đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tham dự.

Tại Kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố đã xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (Đồ án).

Đồ án dự báo quy mô dân số TP.HCM đạt 13 triệu người vào năm 2040; 14,5 triệu người vào năm 2050 và đạt 16 triệu người vào năm 2060.

Đồ án định hướng phát triển đô thị TP.HCM dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng gồm phân vùng đô thị trung tâm; đô thị phía Đông; đô thị phía Bắc-Tây Bắc; đô thị phía Tây và đô thị phía Nam.

Định hướng phát triển không gian là kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt trong phạm vi Vành đai 2, Vành đai 3 và ngoài Vành đai 3.

Về giao thông, Đồ án dựa trên cơ sở bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông quốc gia.

Đồ án cũng hướng tới việc xây dựng quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn, tạo bước đột phá trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi, góp phần xây dựng đô thị sông nước hiện đại, xanh hóa, phát triển bền vững của cả khu vực…

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố thống nhất về tầm quan trọng của việc xây dựng Đồ án nhằm phù hợp với định hướng phát triển của toàn vùng TP.HCM, hướng tới phát triển Thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố; tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể liên quan đến quy mô dân số, quy mô đất đai, phân vùng đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch không gian ngầm, chỉ tiêu cây xanh, quản lý chất thải...

Hội đồng Nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố rà soát nội dung Đồ án phải đảm bảo sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, chiến lược phát triển quốc gia, quy hoạch các ngành quốc gia và quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14.9.2021 Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; bổ sung các nội dung về đánh giá môi trường chiến lược; về đề xuất các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển và nguồn lực thực hiện; và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung vào nội dung Đồ án đảm bảo các yêu cầu theo quy định pháp luật.

Các tòa nhà văn phòng cho thuê khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Các tòa nhà văn phòng cho thuê khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố rà soát lại việc tính toán quy mô dân số và rà soát toàn bộ các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn Thành phố theo quy mô dân số đã được phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg; rà soát toàn bộ số liệu phần hiện trạng, có cập nhật, điều chỉnh số liệu đảm bảo chất lượng, độ tin cậy, có nguồn rõ ràng; đảm bảo tính khoa học, đủ số lượng, đủ độ dài chuỗi dữ liệu theo thời gian để phục vụ công tác phân tích, đánh giá, dự báo trong quá trình lập quy hoạch; xem xét kỹ về cơ sở, phương pháp phân vùng và tên gọi các vùng, tiểu vùng, tránh việc phân chia một khu vực quận, huyện thành nhiều vùng khác nhau…

Về định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm, Hội đồng Nhân dân Thành phố cho rằng Đồ án cần thể hiện đầy đủ các nội dung về hướng phát triển, mở rộng đô thị; về xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng, các khu chuyển đổi chức năng, khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo, khu phát triển mới, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; về xác định các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm theo quy định của pháp luật…

Hội đồng Nhân dân TP.HCM cũng đã thông qua các nghị quyết đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội-quốc phòng an ninh của Thành phố trong lĩnh vực kinh tế-ngân sách; Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố giai đoạn 2021-2025; Quy định mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến; Quy định nội dung chi, mức chi ngân sách đối với nhiệm vụ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2030...

Xuân Khu

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phat-trien-tp-hcm-thanh-5-vung-do-thi-khong-gian-doc-song-sai-gon-la-diem-nhan-43743.html