Nhà máy chế biến nông sản hữu cơ khởi công gần 3 năm nhưng không xây dựng

Một dự án nhà máy chế biến nông sản hữu cơ với vốn đầu tư lên đến 100 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 7/2019, theo kế hoạch đến tháng 10/2020 thì hoàn thành toàn bộ cả 3 giai đoạn của dự án, thế nhưng, sau gần 3 năm, đến nay dự án vẫn… nằm im. Trong khi địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư không thực hiện các thủ tục liên quan và bố trí kinh phí chi trả bồi thường để thực hiện dự án, gây lãng phí tài nguyên đất đai và bức xúc trong Nhân dân.

 Khu vực đất để thực hiện dự án Nhà máy Chế biến nông sản hữu cơ Đại Nam - Ong Biển tại xã Hải Trường - Ảnh: L.T

Khu vực đất để thực hiện dự án Nhà máy Chế biến nông sản hữu cơ Đại Nam - Ong Biển tại xã Hải Trường - Ảnh: L.T

Ngày 20/5/2019, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 1168/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Đại Nam - Ong Biển Quảng Trị thực hiện dự án Nhà máy Chế biến nông sản hữu cơ Đại Nam - Ong Biển, nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm từ nông sản hữu cơ; thu mua và chế biến cà phê, rượu, phân bón hữu cơ và dịch vụ du lịch sinh thái.

Dự án được thực hiện trên diện tích đất dự kiến khoảng 50 ha tại xã Hải Trường, huyện Hải Lăng với tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng; thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án triển khai qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo, chế biến cà phê trên diện tích dự kiến sử dụng khoảng 30 ha với công suất thiết kế 12 - 14 tấn gạo/giờ, 0,5 tấn cà phê/giờ; giai đoạn 2 xây dựng nhà máy sản xuất rượu và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp với công suất 50.000 lít rượu/năm và 30.000 tấn phân bón/ năm; giai đoạn 3 xây dựng khu du lịch sinh thái trên diện tích khoảng 20 ha; công suất thiết kế 60.000 lượt khách du lịch/năm. Tiến độ dự kiến thực hiện của cả 3 giai đoạn từ tháng 5/2019 đến tháng 10/2020.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 112/BCUBND ngày 10/5/2021 của UBND huyện Hải Lăng thì đến quý II/2021, dự án chỉ đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chưa thật sự quyết tâm phối hợp với huyện trong công tác bồi thường, tái định cư. Cũng theo báo cáo, UBND huyện Hải Lăng đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành công tác kiểm kê đất đai, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để xây dựng giai đoạn 1 dự án. Theo đó, tính đến tháng 3/2021, hoàn thành việc kiểm đếm và công khai phương án bồi thường cho 152/156 thửa đất, diện tích 12,13 ha của 59/60 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi công trình vùng nuôi cá HTX Mỵ Trường với số tiền chi trả hơn 11,5 tỉ đồng. Tháng 4/2021, UBND huyện Hải Lăng đề nghị phía công ty bố trí kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án, trong đó ưu tiên kinh phí bồi thường phạm vi công trình vùng nuôi cá HTX Mỵ Trường nằm trong quỹ đất thực hiện giai đoạn 1 dự án với tổng diện tích 14,9 ha, chi phí hỗ trợ khoảng 14 tỉ đồng trước ngày 30/4/2021. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện chưa nhận được kinh phí từ nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND xã Hải Trường Trương Minh Đông cho biết, đến thời điểm này địa phương cơ bản hoàn thành việc kiểm kê đất đai trên diện tích 14,9/33,6 ha thực hiện giai đoạn 1 dự án. Trong đó, hầu hết người dân đã nhất trí phương án bồi thường và sẵn sàng bàn giao mặt bằng khoảng 14,2 ha cho nhà đầu tư với số tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng là 12 tỉ đồng. Cũng theo ông Đông, trong tổng diện tích 33,6 ha đất thực hiện giai đoạn 1 dự án, ngoài tổng diện tích 14,9 ha đã kiểm đếm, thống nhất phương án bồi thường thì còn lại 18,7 ha đang được địa phương tiến hành kiểm kê về đất, tài sản trên đất. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư chưa cung cấp hồ sơ quy chủ thu hồi đất đối với diện tích trên cho địa phương, thêm nữa dự án chưa có quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế của UBND tỉnh nên Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Hải Lăng chưa có cơ sở để trình phê duyệt phương án kinh phí giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại này. “Hiện phía công ty chưa có bất kỳ một động thái nào, các hộ gia đình cũng chưa nhận được tiền bồi thường. Địa phương cũng nhiều lần gửi văn bản, thư mời đến làm việc nhưng phía công ty không phản hồi. Nhiều hộ dân đã thu hoạch cây keo tràm để bàn giao mặt bằng, nhưng vì chưa được chi trả tiền hỗ trợ nên đành mua cây giống về trồng lại để tránh lãng phí đất”, ông Đông chia sẻ thêm.

Ngày 12/7/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đôn đốc triển khai thực hiện dự án Nhà máy Chế biến nông sản hữu cơ Đại Nam - Ong Biển. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nhà đầu tư thực hiện biện pháp đảm bảo đầu tư đối với phần diện tích đất để thực hiện dự án theo đúng quy định trước ngày 30/7/2021 là ký quỹ 900 triệu đồng cho diện tích dự kiến thực hiện giai đoạn 1 hơn 30 ha. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện biện pháp đảm bảo đầu tư theo yêu cầu, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét chấm dứt dự án đầu tư theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết: “Vướng mắc hiện nay là phía chủ đầu tư chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong khi chính quyền các cấp và người dân rất đồng thuận. Việc chậm trễ triển khai dự án dẫn đến bức xúc trong Nhân dân. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp xã, huyện, tỉnh cử tri nhiều lần phản ánh. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Mong muốn của chính quyền địa phương và Nhân dân là nhà đầu tư cần sớm có phương án triển khai dự án tránh lãng phí đất đai cũng như mất niềm tin của người dân”.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=165335&title=nha-may-che-bien-nong-san-huu-co-khoi-cong-gan-3-nam-nhung-khong-xay-dung