Kỷ luật, kỷ cương tài chính được thắt chặt

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khóa XI) đánh giá, về cơ bản, việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước về tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương đang tốt dần lên, nhờ kỷ luật, kỷ cương tài chính được thắt chặt.

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khóa XI)

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khóa XI)

Thưa ông, những năm trước có xảy ra tình trạng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ kết luận của Kiểm toán Nhà nước về tài chính công, tài sản công. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân là do chế tài chưa mạnh. Ý kiến của ông như thế nào?

Qua theo dõi nhiều năm cũng như phản ánh của các đại biểu Quốc hội, thì trên thực tế, nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước chưa nghiêm túc, thường xuyên, nên có trên dưới trăm ngàn tỷ đồng kiến nghị xử lý về tài chính chưa được thực hiện. Nhưng, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 được gửi tới các đại biểu Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV cho thấy sự chuyển biến khá tích cực.

Nếu như trước đây, các bộ, ngành, địa phương chỉ thực hiện được khoảng 75 - 80% kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về xử lý tài chính, thì niên độ kiểm toán năm 2021 (quyết toán năm 2023) đã thực hiện được 89,41% số tiền kết luận, kiến nghị. Thậm chí, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp được kiểm toán đã thực hiện được 99,9% tổng số tiền kiến nghị.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến trước khi Kỳ họp thứ bảy khai mạc, đơn vị được kiểm toán đã thực hiện xử lý 19.259 tỷ đồng theo kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước lưu cữu từ năm 2013 đến hết năm 2020 và vẫn còn số tiền không nhỏ chưa được xử lý dứt điểm.

Trên thực tế, khó đòi hỏi 100% kiến nghị, kết luận được thực hiện, vì có những khoản liên quan xây dựng cơ bản, cơ chế, chính sách chưa rõ ràng.

Cũng phải nói thêm rằng, số tiền trên dưới trăm ngàn tỷ đồng hàng năm chưa được giải quyết kịp thời theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước không hẳn là thất thoát, lãng phí, mà nhiều khoản phải điều chỉnh kỹ thuật theo các văn bản quy phạm pháp luật, quy định mới... Đối với các kiến nghị về tài chính chưa thực hiện, qua rà soát cho thấy, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán chỉ chiếm 58,5%; trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 14,3%; có cả nguyên nhân thuộc về Kiểm toán Nhà nước (chiếm 2,28%).

Theo ông, vì sao trong khoảng một năm trở lại đây, các đơn vị được kiểm toán lại thực hiện khá nghiêm túc kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước?

Đó là nhờ kỷ luật, kỷ cương tài chính được thắt chặt.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 91/2023/QH15, trong đó yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, không lặp lại tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm. Trong năm 2023, phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành liên quan đến quyết toán NSNN; có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Kiểm toán Nhà nước nêu ra và đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Đứng trước thực tế là tình hình vi phạm chế độ, chính sách trong quản lý NSNN, đầu tư công, tài sản công, nợ công vẫn xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương; việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và thanh tra còn chậm, chưa nghiêm túc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg (ngày 23/6/2023) với những yêu cầu rất nghiêm khắc.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra giải pháp và phối hợp để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng. Đơn vị nào không chấp hành, chấp hành không nghiêm túc, Bộ Tài chính lập tức tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật NSNN.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tổ chức thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - NSNN, đầu tư công, tài sản công. Trường hợp chậm thực hiện kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu.

Tôi được biết, thực hiện Chỉ thị 22/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã xử lý nghiêm 1.382 tổ chức và 2.236 cá nhân chưa thực hiện, thực hiện chưa nghiêm túc kết luận, kiến nghị và để xảy ra sai phạm về quản lý NSNN, tài chính công, tài sản công đã được kiểm toán, thanh tra chỉ ra.

Để việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước vào nề nếp, ngoài những biện pháp quyết liệt kể trên, theo ông cần có thêm những giải pháp gì?

Thứ nhất và quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, làm sao để đơn vị được kiểm toán tâm phục, khẩu phục và thực hiện triệt để.

Thứ hai, công khai kết luận, kiến nghị để đại biểu Quốc hội, người dân, các cơ quan dân cử theo dõi, tức là tạo ra áp lực buộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa chấp hành, chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính phải thực hiện.

Thứ ba, không chỉ theo dõi, giám sát, đôn đốc, Kiểm toán Nhà nước phải hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, vì nhiều vấn đề tài chính rất phức tạp, rất khó xử lý do nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo, đan xen.

Thứ tư, rất nhiều vi phạm là do cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, thậm chí mâu thuẫn nhau, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thì các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tiếp thu, vì nếu không, sẽ khó tránh khỏi vi phạm.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ky-luat-ky-cuong-tai-chinh-duoc-that-chat-d215492.html