Kỳ cuối: Giải pháp để phát triển cây xanh đô thị

Sau khi bị di dời, đốn hạ, thân và gỗ cây xanh công cộng được xử lý như thế nào? Làm sao để trồng bù đắp lại những cây xanh đã mất để bảo đảm tỉ lệ mảng xanh đô thị không bị sụt giảm?… Đây là những vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Gỗ cây xanh được xử lý ra sao?

Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi các dự án giao thông, việc trồng mới cây xanh thời gian qua trên địa bàn TPHCM cũng không đạt như kỳ vọng. Khảo sát đường Tôn Đức Thắng cho thấy, thay cho hàng cây cổ thụ sum suê xanh tốt năm xưa là những hàng me tán nhỏ nên ít bóng mát. Những hàng cây xanh rợp bóng mát trên đoạn đường Điện Biên Phủ trước đây được thay bởi cây loa kèn hồng, cây sưa và các loại cây hỗn hợp khác. Đa số những cây này có thân và tán lá khá nhỏ. Mùa hè, cây loa kèn hồng lại thường rụng lá nên việc tạo ra bóng mát cho đô thị rất thấp. Do thiếu bóng cây xanh, vào những ngày nắng nóng, mỗi lần lưu thông qua các đoạn đường Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ trên thì người đi đường bị cái nóng hầm hập phả thẳng vào mặt.

Đường Trường Chinh cũng tương tự, sau khi di dời, đốn hạ hàng chục cổ thụ hai bên đường này tới nay vẫn chưa được thay thế, trồng mới hoặc cây trồng mới thuộc dạng cây bụi, thân, tán lá nhỏ, khả năng tạo bóng mát rất thấp. Những ngày nắng nóng, khi lưu thông trên đường Trường Chinh không khác gì chui vào "lò bát quái" trong phim Tề Thiên Đại Thánh trước kia thường chiếu trên truyền hình.

Sau khi được ươm dưỡng, nhiều cây xanh đã chết khô

Sau khi được ươm dưỡng, nhiều cây xanh đã chết khô

Đa số cây xanh đô thị bị đốn hạ là cổ thụ với số lượng gỗ thu về khá lớn. Trước đây, một phần gỗ cây xanh đô thị được sử dụng để chế tác bàn ghế bố trí cho các công viên, mảng xanh, khu vực công cộng hoặc phục vụ công tác thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên..., một phần mang ra bán đấu giá hoặc đưa về tập kết tại Vườn ươm Đông Thạnh. Sau khi tập kết về Vườn ươm Đông Thạnh, công tác bảo quản được thực hiện sơ sài khiến hàng trăm mét khối gỗ phơi mình dưới nắng mưa, nhiều lóng gỗ nứt nẻ, hoai mục, rất lãng phí. Hiện nay, số lượng gỗ tập kết về ở Vườn ươm Đông Thạnh ít hơn nhiều so với trước đây, được phủ bạt che chắn khá kỹ lưỡng nhằm hạn chế gỗ bị phơi sương, phơi nắng.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, ông Lê Văn Tấn - Trưởng phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM thuộc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết: Gỗ thu hồi từ việc xử lý cây xanh phục vụ đầu tư xây dựng các công trình sẽ do các chủ đầu tư thực hiện thu hồi, thanh lý để thu, nộp ngân sách theo quy định hoặc thực hiện theo các chủ trương, chỉ đạo khác. Cạnh đó, còn số lượng gỗ khác có tính chất thu hồi liên tục từ việc thay thế cây xanh bị mất an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng (cây chết, hư hại, mục, bọng, ngã đổ...) cũng được các đơn vị thanh lý theo quy định.

Thời gian qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã thanh lý toàn bộ khối lượng gỗ thu hồi từ việc đốn hạ, giải tỏa cây xanh và sẽ thường xuyên tổ chức thanh lý, đấu giá công khai khi có khối lượng gỗ phát sinh. Gỗ thu hồi từ việc đốn hạ cây xanh có chất lượng không cao, được cưa cắt trong điều kiện đô thị nên hạn chế về kích thước (chất lượng gỗ tận thu, không phải là gỗ lâm sản), chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về công tác thanh lý, đấu giá gỗ thu hồi từ cây xanh đường phố...

Bổ sung số cây xanh bị mất

Liên quan đến các giải pháp để phát triển cây xanh đô thị sau khi bị đốn hạ, di dời tại TPHCM, nhất là khi thành phố đang thiếu trầm trọng diện tích cây xanh trên đầu người, lại trong điều kiện thời tiết cực đoan năm nay, ông Lê Văn Tấn thừa nhận cây xanh có vai trò quan trọng trong việc tạo, duy trì cảnh quan đô thị, cải thiện tích cực môi trường sống cho người dân, là yếu tố cần thiết và quan trọng cho cuộc sống đô thị. Cây xanh là một trong những hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, vì vậy việc phát triển đô thị phải luôn gắn liền, đồng hành với việc bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh.

Cây xanh đô thị bị đốn hạ thu được số lượng lớn gỗ

Cây xanh đô thị bị đốn hạ thu được số lượng lớn gỗ

Trong điều kiện thành phố còn rất thiếu về chỉ tiêu mét vuông công viên, cây xanh trên đầu người thì việc duy trì, phát triển hệ thống công viên, cây xanh luôn được quan tâm, cần nhiều nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành, các sở, ban ngành và người dân. Tuy nhiên, thành phố cũng cần phát triển các hạ tầng khác (cầu, đường đô thị, đường sắt đô thị, hệ thống điện, thoát nước...) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều dự án trọng điểm, gồm: xây dựng các tuyến Metro số 1, Metro số 2, nút giao thông An Phú, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám... Để có mặt bằng triển khai thi công đã phải xử lý nhiều cây xanh trong phạm vi dự án. Quá trình triển khai dự án, từ công tác khảo sát, lập dự án, phê duyệt dự án, chủ đầu tư và các đơn vị có chức năng đã tính toán, cân nhắc, lựa chọn phương án thực hiện tối ưu nhất, trong đó bao gồm hạn chế thấp nhất việc xử lý đốn hạ, di dời cây xanh.

Đối với việc đốn hạ, di dời cây xanh phục vụ các dự án, TPHCM đều có tính toán bù đắp thông qua việc chủ đầu tư thực hiện trồng lại cây xanh theo thiết kế. Thành phố cũng triển khai các kế hoạch phát triển công viên, cây xanh thông qua việc rà soát những vị trí, khu đất, tuyến đường khác để có thể phát triển thêm hệ thống công viên, cây xanh nhằm thay thế, bổ sung khối lượng cây xanh đã đốn hạ, cũng như để tăng thêm tỉ lệ mét vuông công viên, cây xanh tương ứng với khối lượng hạ tầng giao thông được phát triển, đáp ứng xu hướng tăng dân số, bảo đảm việc duy trì, tôn tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sống.

Ngoài công tác trồng thay thế theo thiết kế của các chủ đầu tư, TPHCM đã ban hành kế hoạch phát triển công viên, cây xanh giai đoạn 2020 - 2030, trong đó giao các cơ quan, đơn vị liên quan thực nhiệm vụ về phát triển hệ thống công viên, cây xanh trên địa bàn. Điển hình như rà soát các vỉa hè còn trống để trồng bổ sung cây xanh, rà soát các khu đất trống để xây dựng công viên và trồng cây xanh... Nhiệm vụ này sẽ do UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các đơn vị chủ đầu tư và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM triển khai thực hiện.

Đối với việc bứng dưỡng cây xanh thuộc các dự án, phần lớn là thực hiện đối với cây kích thước nhỏ, chủng loại dễ sống, hạn chế đối với cây có kích thước lớn vì rễ khó tái tạo, không bảo đảm an toàn khi trồng lại trên đường phố. Vấn đề này, cơ quan quản lý sẽ thường xuyên khuyến cáo, góp ý đến các chủ đầu tư dự án.

Phòng, chống cây xanh gãy, ngã trong mùa mưa

TPHCM đang vào mùa mưa. Ông Lê Văn Tấn cho biết công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM thực hiện thường xuyên và liên tục.

Cụ thể, duy trì cây xanh hiện hữu và thực hiện công tác cắt tỉa, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật để bảo đảm mỹ quan, cảnh quan và an toàn cho đường phố, tạo sự thẩm mỹ, ngoại quan cho cây xanh; phòng tránh sự cố rơi, gãy cành, nhánh, ngã đổ cây...

Về thay thế cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn, thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên để kịp thời ghi nhận, phát hiện cây xanh bị chết; cây xanh bị suy giảm sức sống; cây xanh bị sâu bệnh, hư hại, khiếm khuyết mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn (mục, bọng, cong, nghiêng...) để có biện pháp thay thế, loại bỏ phù hợp, kịp thời (phòng tránh sự cố cây xanh bị nghiêng, nhớm gốc, ngã đổ).

Nhằm bảo đảm an toàn cho đường phố, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2024, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã triển khai và đang duy trì thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây. Đến nay, đơn vị đã cơ bản gần hoàn thành kế hoạch cắt tỉa đợt 1 (mỗi năm thực hiện 2 đợt) của năm 2024 đối với hệ thống cây xanh được giao quản lý. Chú trọng công tác rà soát, xử lý, thay thế, loại bỏ các cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên đường phố thuộc địa bàn phân cấp quản lý. Việc đẩy mạnh công tác này của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tối đa sự cố ngã đổ cây xanh, đặc biệt là vào mùa mưa trước diễn biến tiêu cực, cực đoan của thời tiết như giông, lốc, gió giật... Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã thực hiện xử lý thay thế gần 700 cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, đối với cây xanh đường phố thuộc quản lý của các đơn vị khác như: UBND TP.Thủ Đức, UBND các quận, huyện khác, Sở Xây dựng đã triển khai các yêu cầu, lưu ý, khuyến cáo về công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đến các đơn vị cũng như chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM có sự phối hợp theo thẩm quyền, chức năng để bảo đảm công tác an toàn cây xanh.

Hải Văn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-cuoi-giai-phap-de-phat-trien-cay-xanh-do-thi_162521.html