Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập khác nhau như thế nào?

Kiểm toán nhà nươc (KTNN) và Kiểm toán độc lập (KTĐL) có mối quan hệ liên kết hỗ trợ chặt chẽ với nhau, đều có mục đích chung nhưng có giá tri riêng.

KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện kiểm toán việc quản lý việc sử dụng tài chính công, tài sản công. Ảnh minh họa

KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện kiểm toán việc quản lý việc sử dụng tài chính công, tài sản công. Ảnh minh họa

Kiểm toán không thu phí và kiểm toán có thu phí

Phân biệt giữa KTNN và KTĐL, TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN chỉ rõ: Về khuôn khổ pháp lý, Hiến pháp năm 2013 đã quy định địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện kiểm toán việc quản lý việc sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong khi đó, KTĐL thực hiện theo Luật KTĐL (được Quốc hội ban hành ngày 29/3/2011). KTĐL hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp kiểm toán, các doanh nghiệp này phải đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật.

Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, các đơn vị được kiểm toán của KTNN là đơn vị có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Còn các đơn vị được kiểm toán của KTĐL là các doanh nghiệp. Công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán theo hợp đồng với các doanh nghiệp.

Về quy trình, theo Luật KTNN, quy trình kiểm toán bao gồm 4 bước: Chuẩn bị kiểm toán - lập kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Quy trình kiểm toán của KTĐL chỉ có 3 bước, gồm: Lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và gửi báo cáo kiểm toán. Việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (bước 4) sẽ được KTNN tổng hợp vào báo cáo kết quả kiểm toán năm, trình bày trước Quốc hội.

Liên quan đến giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán (BCKT), đối với KTNN, BCKT được phát hành công khai và có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện đối với các đơn vị được kiểm toán về việc khắc phục các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. BCKT của KTNN được công khai theo Điều 50 của Luật KTNN (trừ các nội dung thuộc phạm vi bí mật theo luật định) theo 4 hình thức: Tổ chức họp báo, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai trên cổng thông tin điện tử và các ấn phẩm của KTNN, niêm yết BCKT tại các trụ sở của đơn vị được kiểm toán.

Thống kê trong gần 30 năm qua, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế gần 2.000 văn bản quy phạm pháp luật. BCKT của KTNN được các cơ quan lập pháp, các nhà quản lý quan tâm và đánh giá cao.

Đặc biệt, BCKT của KTNN được Quốc hội sử dụng trong việc xem xét, quyết định, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước dài hạn hoặc hằng năm; là cơ sở để xem xét các chính sách về tài chính, tiền tệ, nợ công, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng BCKT của KTNN trong quá trình điều hành, quản lý và thực thi nhiệm vụ được giao. Tại các địa phương, Hội đồng nhân dân sử dụng BCKT trong việc xem xét, quyết định, giám sát về dự toán ngân sách, phân bổ dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách và giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương. Trong khi đó, BCKT của KTĐL chỉ phục vụ chủ yếu cho các cổ đông, nhà đầu tư hoặc bên liên doanh liên kết.

KTNN và KTĐL trong quá trình thực hiện kiểm toán đều có những điểm chung về kỹ thuật và áp dụng hệ thống chuẩn mực kiểm toán. Tuy nhiên, do đối tượng kiểm toán khác nhau nên việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán cũng khác nhau. KTNN đang sửa đổi hệ thống chuẩn mực và thực hiện theo Hệ thống chuẩn mực do Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành. Còn KTĐL thực hiện theo chuẩn mực kiểm toán do Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) ban hành.

Từ góc độ nghiên cứu, PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Bộ môn Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân - chia sẻ thêm: KTNN hỗ trợ tích cực cho quản lý tài chính công và do đó, cuộc kiểm toán được thực hiện theo kế hoạch của KTNN và mang tính chất bắt buộc, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của khách thể kiểm toán. Trong khi đó, hoạt động KTĐL do các công ty kiểm toán thực hiện theo hợp đồng. Cuộc kiểm toán do đó mang tính chất tự nguyện dựa trên nhu cầu của đơn vị được kiểm toán và khả năng cung cấp của công ty kiểm toán.

Thêm điểm khác biệt được PGS,TS. Thịnh Văn Vinh - Phó Trưởng khoa Kế toán, Trưởng Bộ môn Kiểm toán, Học viện Tài chính - chỉ ra: KTNN không thu phí các đơn vị được kiểm toán, còn với KTĐL, doanh nghiệp kiểm toán phải thu phí theo thỏa thuận, khung chi phí kiểm toán quyết định cho từng lĩnh vực.

Phối hợp góp phần tạo nên sự minh bạch, bền vững và hiện đại hóa nền tài chính

Cũng theo ông Thịnh Văn Vinh, dù có nhiều điểm khác nhau, nhưng hoạt động kiểm toán của KTNN và KTĐL đều nhằm cung cấp thông tin trung thực, tin cậy, đáp ứng yêu cầu sử dụng của các đối tượng liên quan. Hoạt động kiểm toán góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, cũng như công tác quản lý tài chính của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho các đơn vị được kiểm toán. Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng là một kênh thông tin quan trọng góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, sai phạm.

Thực tiễn, KTNN và KTĐL có mối quan hệ phối hợp rất hiệu quả trong việc thúc đẩy nghề nghiệp kiểm toán phát triển, cũng như tham khảo ý kiến và sử dụng kết quả kiểm toán của nhau. Dựa trên các chuẩn mực, quy trình, nghiệp vụ, quy định pháp luật, hai bên hợp tác nhằm mục đích đưa ra được thông tin trung thực, tin cậy. KTNN Việt Nam trong thời gian qua đã mời KTĐL cùng kiểm toán một số dự án thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN; đồng thời KTĐL hỗ trợ KTNN trong việc đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán các lĩnh vực mới.

Cũng ở góc độ này, bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam – khẳng định: KTNN và KTĐL có mối quan hệ liên kết, hỗ trợ chặt chẽ với nhau nhằm phát huy cao nhất hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Trong phạm vi nhất định, KTNN có thể sử dụng KTĐL để kiểm toán, đánh giá và đưa ra ý kiến nhận xét về báo cáo và thông tin tài chính của các doanh nghiệp có vốn và tài sản nhà nước; phối hợp trong công tác xây dựng chuẩn mực, quy trình kiểm toán và đào tạo nhân viên… Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sử dụng đội ngũ chuyên nghiệp, có trình độ của KTĐL cũng góp phần giúp KTNN tiết kiệm nguồn lực và nâng cao chất lượng kiểm toán. Hơn nữa, KTĐL cũng hướng đến chia sẻ những cách nhìn mới trong quá trình kiểm toán cho KTNN nhằm góp phần tạo nên sự minh bạch, bền vững và hiện đại hóa nền tài chính Việt Nam.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kiem-toan-nha-nuoc-va-kiem-toan-doc-lap-khac-nhau-nhu-the-nao-10280155.html