Chủ động đáp ứng cấp nước sạch mùa hè

Cơ quan chức năng dự báo, mùa hè năm nay nắng nóng phức tạp, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân tăng 5-10% so với năm 2023, gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Chủ động ứng phó, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu sử dụng nước của 100% hộ dân nội thành và một số huyện ngoại thành.

Kiểm tra hệ thống cấp nước tại Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội. Ảnh: Anh Đạt

Kiểm tra hệ thống cấp nước tại Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội. Ảnh: Anh Đạt

Dự kiến thiếu 50.000-70.000m3 nước sạch/ngày-đêm

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du, trong mùa hè năm 2024, ước tính nhu cầu sử dụng nước khoảng 1,4 triệu m3/ngày-đêm, tăng 87.000m3/ngày-đêm. Tuy nhiên, do nguồn cung chưa bảo đảm nên tại một số thời điểm, dự kiến sẽ thiếu 50.000-70.000m3 nước/ngày-đêm. Như vậy, hàng chục nghìn người đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt.

Là đơn vị được giao quản lý, cung cấp nước sạch cho 16 quận, huyện, với tổng dân số khoảng 4 triệu người, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng cho biết, nguồn nước do công ty khai thác năm 2024 không bằng năm 2023 bởi nước ngầm và chất lượng nước suy giảm. Trong khi nguồn nước mặt sông Đuống, sông Đà cũng gặp khó khăn, khả năng đáp ứng có hạn. Những yếu tố này dẫn đến tổng sản lượng nước cấp vào mạng chỉ đạt khoảng 740.500 m3/ngày-đêm, dự báo sẽ thiếu 10.000-40.000 m3/ngày-đêm (cao điểm có thể thiếu tới 60.000 m3/ngày-đêm).

Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội dự báo, một số khu vực có nguy cơ thiếu nước, nước yếu, đặc biệt trong những ngày nắng nóng kéo dài nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, là khu vực dọc tuyến đường Nguyễn Khang, Quan Hoa, Dương Quảng Hàm và 4 phường Phú Diễn, Phúc Diễn, Minh Khai, Tây Tựu (quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm); khu vực phố Pháo Đài Láng, Khâm Thiên, Láng (quận Đống Đa); khu vực An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc (quận Ba Đình); khu vực Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ)...

Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, địa bàn do Công ty cổ phần Viwaco phụ trách sử dụng nguồn nước mặt sông Đà vẫn đối mặt nguy cơ vỡ đường ống. Đơn vị sản xuất, cung ứng nước đã có các giải pháp ứng phó, song căn cơ nhất vẫn là phải hoàn thành tuyến ống truyền dẫn số 2.

Nhiều giải pháp phối hợp khắc phục

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội đang gấp rút bổ sung các giếng ngầm mới, đồng thời cải tạo, bảo đảm chất lượng nước giếng ngầm cũ, để khai thác thêm 10.000-50.000m3 nước/ngày-đêm. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng khẳng định, công ty cố gắng bảo đảm cấp nước cho người dân trong hè này.

Là đơn vị đầu mối điều tiết chung toàn hệ thống cấp nước của thành phố, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội được giao bổ sung 100.000-110.000m3/ngày-đêm từ nguồn nước ngầm; bổ sung 150.000-160.00m3/ngày-đêm và có thể tăng lên 180.000m3/ngày-đêm từ nguồn nước mặt sông Hồng (Nhà máy Nước Bắc Thăng Long). Trong đợt cao điểm hè, công ty sẽ cân đối, giảm nguồn nước mặt sông Đuống, sông Đà xuống mức 100.000-120.000m3/ngày-đêm để bù đắp nguồn thiếu hụt cho khu vực Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Viwaco quản lý.

Với Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, trong thời gian cao điểm mùa hè sẽ xem xét bổ sung giải pháp kỹ thuật, phương án, quy trình vận hành nhà máy để có thể nâng nguồn cấp cho hệ thống lên khoảng 360.000m3/ngày-đêm. Trong khi đó, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống sẽ huy động tối đa 300.000m3 nước/ngày-đêm để cung cấp cho khu vực phía Nam sông Hồng và điều tiết bổ sung nguồn cấp cho khu vực các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước Lê Văn Du cho biết, thành phố đầu tư bổ sung các tuyến ống phân phối, dịch vụ để tăng cường năng lực mạng hoặc vận hành cấp nước luân phiên cho các khu vực dự báo thiếu nước. Ngoài ra, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị cung ứng nước sạch bố trí xe stec phục vụ nhân dân khi có sự cố mất nước.

Đối với các dự án nguồn, thành phố tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai, trong đó phấn đấu đưa Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày-đêm vào vận hành trong quý IV-2024; nâng công suất Nhà máy Nước sạch sông Đà lên 600.000m3/ngày-đêm trong giai đoạn 2024-2025; hoàn thiện thủ tục đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long lên 200.000m3/ngày-đêm, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025…

Đối với các dự án mạng cấp nước cho ngoại thành, thành phố cũng dồn lực, khẩn trương triển khai tại 124 xã trên địa bàn 12 huyện đã được chấp thuận phân vùng. Trong năm 2024, dự kiến hoàn thành ở 54 xã, với khoảng 59.110 hộ, 236.440 người được cung cấp nước sạch.

Với việc chủ động điều tiết nguồn nước, bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu, cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực, hy vọng người dân trên địa bàn Thủ đô sẽ không bị mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt trong mùa hè năm nay.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam Trần Đức Hạ:

Dựng đập dâng giữ nước mặt sông Hồng

Nước ngầm không phải là tài nguyên vô hạn nên các đô thị, trong đó có Hà Nội đã hạn chế khai thác nước ngầm. Thay vào đó, thành phố Hà Nội đang tăng cường sử dụng nguồn nước mặt, chủ yếu là nguồn nước sông Đà, sông Hồng hoặc sông Đuống. Tuy nhiên, hiện nay một số nguồn nước mặt không thật sự dồi dào và chất lượng kém hơn nước ngầm, gây tốn chi phí xử lý.

Theo tôi, để tăng cường nguồn nước thô có thể tạo bãi giếng ở bãi sông, khu vực có chất lượng nước bảo đảm để thay thế cho nước ngầm khai thác trong thành phố. Bên cạnh đó, nước mặt sông Hồng nên được tận dụng tối đa, khai thác cho cấp nước. Việc xây dựng các âu thuyền, các đập dâng giữ nước lại khai thác là giải pháp khả thi. Tôi cho rằng, thành phố Hà Nội cũng như các địa phương trong vùng cần sớm xem xét nghiên cứu. Khi mực nước sông Hồng dâng lên sẽ bổ cập cho các giếng khai thác ở ngay ngoài bãi sông.

Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến:

Cảnh báo thiếu nước đầu hè là rất cần thiết

Việc Sở Xây dựng Hà Nội cùng một số đơn vị cấp nước đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu nước sạch có thể xảy ra với một số khu vực của Thủ đô trong cao điểm mùa hè là kịp thời. Các cơ quan, đơn vị cung cấp nước sạch sẽ chủ động hơn trong bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân; tích cực kiểm tra, rà soát hệ thống cung cấp nước sạch, bảo đảm an toàn, bền vững, tránh xung đột, gây vỡ đường ống. Ngoài ra, đơn vị cấp nước có giải pháp phòng ngừa và khắc phục kịp thời sự cố xảy ra. Cảnh báo đó đồng thời giúp cho người dân sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước.

Thành phố Hà Nội đang tập trung đầu tư một số nhà máy nước lớn theo quy hoạch, như: Nhà máy Nước Xuân Mai, Nhà máy Nước mặt sông Hồng; nâng công suất Nhà máy Nước sông Đuống, cũng như đầu tư mở rộng thêm Nhà máy Nước sạch sông Đà. Đầu tư là cả quá trình, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Trong khi đó, việc trước mắt là tăng cường kiểm tra, giám sát và đưa ra các cảnh báo cần thiết.

Bà Nguyễn Kim Hoa (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội):

Tăng cường tuyên truyền sử dụng nước sạch tiết kiệm

Nhà tôi ở khu vực được cảnh báo thiếu nước nên cả gia đình hết sức lo lắng. Cũng như điện, nước sinh hoạt là không thể thiếu trong mùa hè nắng nóng. Chỉ cần thiếu nước là cuộc sống đảo lộn, bất tiện và khổ sở vô cùng. Tôi mong muốn trong trường hợp xảy ra sự cố gây thiếu nước hay chất lượng nước không bảo đảm, các cơ quan chức năng cần sớm thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động dự phòng. Bên cạnh đó, thành phố bố trí đủ xe stec phục vụ trong trường hợp sự cố mất nước; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng có phương án khắc phục, sửa chữa.

Tôi cũng mong cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hình thành thói quen sử dụng nước sạch tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả. Sử dụng nước lãng phí không chỉ làm gia tăng chi phí của gia đình mà còn có thể khiến người dân ở cuối hệ thống không có nước để sử dụng.

Triệu Hoa ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-dap-ung-cap-nuoc-sach-mua-he-666052.html