Bài 2: Giữ lại giá trị cốt lõi

Hà Nội sở hữu một kho tàng các di sản kiến trúc đô thị, trong đó có hệ thống các bức phù điêu gắn liền với văn hóa, lịch sử Thủ đô.

Nếu được quản lý, khai thác, phát huy giá trị một cách hiệu quả, di sản kiến trúc đô thị sẽ được sống và trở thành những địa điểm quan trọng, thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế đô thị hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa, việc bảo tồn và phát huy các di sản này đang đứng trước nhiều thách thức.

Cần giữ lại các bức phù điêu

Vấn đề được đề cập trong kỳ 1 của loạt bài nhận được sự quan tâm, đề xuất ý kiến của nhiều chuyên gia, với mong muốn Hà Nội sẽ không chỉ là TP của sự sáng tạo mà phải là TP gìn giữ trọn vẹn những ký ức lịch sử không gì có thể thay thế. Nhiều chuyên gia văn hóa, mỹ thuật, lịch sử và giới kiến trúc đều cho rằng, bức phù điêu cần phải được giữ lại, để sau này còn kể cho hậu thế về những khoảnh khắc hào hùng trong lịch sử.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến chia sẻ: phải khẳng định rằng, phù điêu là những tác phẩm nghệ thuật có tác dụng tuyên truyền, cổ động trực quan về những sự kiện văn hóa, lịch sử của đất nước và Thủ đô Hà Nội, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng. Điển hình là bức phù điêu “Hà Nội - Mùa Đông năm 1946” ở chợ Đồng Xuân. Tác phẩm thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ các vị anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Thủ đô; đồng thời thể hiện tình đoàn kết giữa quân và dân Hà Nội sát cánh chiến đấu, bảo vệ Thủ đô ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Khách tham quan, tìm hiểu bức phù điêu “Hà Nội - Mùa Đông năm 1946” tại chợ Đồng Xuân chiều 9/5/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Khách tham quan, tìm hiểu bức phù điêu “Hà Nội - Mùa Đông năm 1946” tại chợ Đồng Xuân chiều 9/5/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có bức phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain" ở đường Thanh Niên. Sau này, TP Hà Nội có dựng những bức phù điêu mới như bức “Chiến lũy Ô Cầu Dền” trong không gian của UBND quận Hai Bà Trưng, thể hiện việc quân và dân Thủ đô kiên cường, gìn giữ ở chiến lũy Ô Cầu Dền nhằm không cho địch phát triển ra các vùng lân cận. Phù điêu góp phần khơi dậy lòng tự hào, phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương.

Không chỉ tại các quận trung tâm, phù điêu còn có ở các huyện ngoại thành. Đơn cử là cụm tượng đài và phù điêu “Đan Phượng quê hương người con gái đảm” ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.

Tượng đài và phù điêu “Đan Phượng quê hương người con gái đảm” được đặt ngay bên quốc lộ 32, hiện thân cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam thời chiến: vừa chắc tay cày, tay súng, vừa bế con trên vai để xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến yên tâm đánh giặc. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thể hiện lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của phụ nữ Đan Phượng nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc.

Ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh: “Theo tôi, những phù điêu tuyên truyền cổ động trực quan gắn liền với các yếu tổ lịch sử, cách mạng của Thủ đô, Hà Nội cần phải giữ lại. Nhiều tác phẩm đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Thủ đô. Đơn cử bức phù điêu “Hà Nội - Mùa Đông năm 1946”, với nhiều người dân sinh sống, kinh doanh xung quanh chợ Đồng Xuân, tác phẩm ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của họ”.

Hà Nội không thể không có những công trình kiến trúc hiện đại, những tòa nhà cao ốc tráng lệ, nhưng bên cạnh đó, bài toán quy hoạch đô thị vẫn luôn có khoảng trống mà ở đó, sự hoành tráng đã không ít lần đụng chạm tới những giá trị của di sản. Câu hỏi đặt ra là cần ứng xử thế nào với quá khứ, chưa bàn tới giá trị nghệ thuật, nhưng thế hệ hôm nay phải nhớ rằng, đó là giá trị lịch sử của một thời.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Đồng quan điểm trên, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội đang phát triển nhanh, tất nhiên, quá trình đó buộc phải hy sinh những gì cũ kỹ, ọp ẹp để thích ứng hơn với nhu cầu sinh hoạt của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, niềm tự hào của Hà Nội lâu nay không phải là một TP to nhất, giàu nhất, hào nhoáng, xa hoa nhất mà là niềm tự hào của một TP có bề dày lịch sử, nơi chứa đựng giá trị văn hóa nhiều hơn giá trị về vật chất. Niềm tự hào ấy được tích lũy từ những ký ức của những năm tháng hào hùng, rất cần được trân trọng và giữ gìn.

Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn phù điêu

Trước đây, Sở VH&TT được TP giao làm quy hoạch tượng đài, phù điêu trên địa bàn TP. Tuy nhiên, do Luật Quy hoạch thay đổi, TP Hà Nội không được tổ chức một quy hoạch riêng nên dự án đó đã phải dừng lại.

Theo các chuyên gia, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch tượng đài, phù điêu đã đem đến nhiều yếu tố tích cực. Cụ thể, theo nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến, khi triển khai dự án, cơ quan chức năng đã kiểm kê, thống kê số lượng tượng đài, phù điêu; hiện trạng của các tác phẩm đó.

“Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền có thể dựa trên số liệu đã có, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị các tượng đài, phù điêu đã có trên địa bàn TP. Mặt khác, chúng ta cần có kế hoạch xây dựng thêm các cụm tượng đài, bức phù điêu phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị trên địa bàn Thủ đô, không những ở quận nội thành mà cả ở các huyện ngoại thành. Kế hoạch khi được xây dựng phải mang tính lâu dài, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bởi, khi dự án được phê duyệt, chúng ta có căn cứ để quản lý bảo vệ được tượng đài, phù điêu; đồng thời có được quỹ đất ở các vị trí phù hợp để xây dựng các bức phù điêu, tượng đài mới” - nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay.

Mở rộng vấn đề, các chuyên gia cho rằng, những câu chuyện xoay quanh việc bảo tồn, phát huy giá trị của các bức phù điêu không đơn thuần là câu chuyện của một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn lịch sử cần được lưu giữ, mà rộng hơn, đó là câu chuyện về ứng xử cần có đối với những di sản kiến trúc, nghệ thuật mà Hà Nội đã và đang sở hữu.

Những năm trước đây, HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt danh mục di sản đô thị tại các khu vực như phố cổ Hà Nội, biệt thự - các công trình kiến trúc Pháp xây dựng trước 1954. Theo các chuyên gia, thời gian tới, các di sản đô thị như: nhà máy, xí nghiệp, công trình do các cơ quan, DN quản lý, cần được thống kê để đánh giá giá trị của những di sản đô thị một cách rõ ràng.

Trên cơ sở đó, TP cần đưa những di sản đó vào danh mục để quản lý. Nếu không, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Hà Nội có thể sẽ không giữ được di sản đô thị. Mặt khác, theo ông Trương Minh Tiến, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị không có nghĩa nhiều cụm tượng đài, phù điêu hàng chục héc-ta, phạm vi rộng lớn phải giữ lại toàn bộ. Chúng ta chỉ giữ lại những điều cốt lõi để bảo tồn, phát huy giá trị.

Hà Nội có quá nhiều giá trị cổ kính, đẹp đẽ, rõ ràng không phải cái gì cổ cũng nên giữ lại, rất khó cho sự phát triển. Nhưng bỏ đi thì lại càng phải tính toán kỹ hơn. Tôi nghĩ rằng, bất cứ những suy nghĩ, sáng tạo nào vì Thủ đô cũng rất cần trân trọng. Chỉ có điều, ở mọi góc độ thì sự ứng xử đều cần hợp lý, vừa tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo tồn được những giá trị đặc sắc của Thủ đô. Nếu vá víu thêm vào mà không đẹp, làm xấu Thủ đô thì đừng làm.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,
Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

(Còn nữa)

Quang Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-giu-lai-gia-tri-cot-loi.html