Lãi suất đã tăng

Một vài nhà băng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động từ đầu tháng 4 ở một số kỳ hạn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia ngân hàng, nhìn chung, lãi suất vẫn duy trì ở mặt bằng thấp trong năm 2024.

Cuối tuần qua, BIDV tăng lãi suất huy động 0,2%/năm cho các kỳ hạn 1 - 11 tháng

Bớt lo tìm kênh đầu tư mới

Trước ngày nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, chị Nguyễn Nhung (Hà Nội) đến Phòng giao dịch Bac A Bank Nguyễn Thị Định rút khoản tiền tiết kiệm 6 tháng đã qua kỳ đáo hạn. Khác với những lần trước, nhân viên Phòng giao dịch vui vẻ thông báo với chị: “Sau một năm nằm im, biểu lãi suất tiết kiệm của Bac A Bank bắt đầu tăng trở lại, chị đáo hạn và mở sổ mới để có lãi suất tốt hơn”.

Bac A Bank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn, với mức tăng từ 0,15 - 0,4%/năm. Theo biểu lãi suất huy động mới nhất do Bac A Bank ban hành, áp dụng cho tài khoản tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1 - 11 tháng đồng loạt tăng 0,15%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 - 13 tháng được tăng thêm 0,25%/năm, lên 4,85%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 15 và 18 tháng cùng tăng thêm 0,15%/năm, lần lượt được niêm yết ở mức 5,05%/năm và 5,25%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn 24 - 36 tháng được Bac A Bank điều chỉnh tăng thêm 0,4%/năm lên mức 5,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay tại ngân hàng này đối với tài khoản tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bac A Bank cộng thêm 0,2%/năm lãi suất mọi kỳ hạn đối với tài khoản tiết kiệm trị giá trên 1 tỷ đồng.

Cuối tuần qua, BIDV cũng ghi nhận lần đầu tiên tăng lãi suất huy động trong hơn một năm qua, với 0,2%/năm cho các kỳ hạn 1 - 11 tháng. Với việc điều chỉnh tăng lãi suất, BIDV là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối với các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng. Cùng ngày, CB cũng tăng 0,5%/năm với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng.

Kể từ đầu tháng 4, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động như HDBank, MSB, VPBank, KienlongBank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank. Riêng VietinBank vừa tăng nhẹ 0,2%/năm nhưng đã giảm 0,1%/năm trong tuần qua. NCB, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất một số kỳ hạn song song với việc điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn còn lại.

Ở chiều ngược lại, vẫn có ngân hàng giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 4 như Vietcombank, PGBank, SCB, Techcombank, ABBank, Dong A Bank, Viet A Bank, Eximbank, Nam A Bank, VIB…

Việc lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại, với người gửi tiền, đã bớt lo tìm kênh đầu tư mới để có lợi nhuận tốt hơn trong bối cảnh giá hàng hóa vẫn tăng và tỷ giá tăng khá mạnh. Trường hợp của chị Nhung cũng vậy, chị cho biết, trước thời điểm đáo hạn tiết kiệm, vợ chồng chị bàn nhau xem có nên rút tiền mua vàng hay USD, hoặc đã nghĩ tới cả chứng khoán vì lãi suất tiền gửi thấp quá.

Ở góc độ cơ quan quản lý, vấn đề là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, giữ cho tỷ giá được ổn định

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước

“Hiện lãi tăng nên vợ chồng tôi quyết định chỉ gửi 3 tháng để chờ xem xu hướng lãi suất tới đây thế nào, thay vì đầu tư khá rủi ro”, chị chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và tăng nhẹ trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng dần cải thiện. Những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ nét hơn khi GDP của Việt Nam trong quý I/2024 tăng trưởng 5,66%, mức cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay; kim ngạch xuất khẩu quý I tăng 15,5%; sản xuất công nghiệp tăng 6,3%. Tính đến ngày 10/4/2024, tổng tăng trưởng tín dụng đạt trên 1%, mặc dù vẫn ở mức thấp so với mọi năm, song đã có tín hiệu tích cực kể từ mức 0,26% cuối tháng 3/2024.

Ở phía nguồn cung, theo bà Hiền, dưới áp lực ngày càng tăng của tỷ giá USD/VND từ ngày 11/3 cho đến ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại sử dụng kênh tín phiếu để hút ròng khoảng 169.000 tỷ đồng trên thị trường ngân hàng, kỳ hạn đều là 28 ngày và lãi suất từ 1,3 - 2,5%/năm. Từ đầu tháng 4, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng trở lại, thậm chí có lúc lên đến gần 4,5%/năm, gần chạm mức trần 5%/năm theo quy định. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên thị trường liên ngân hàng từ tháng 5/2023.

“Điều này cho thấy thanh khoản thị trường đang có dấu hiệu thu hẹp trong 1 tuần trở lại đây và lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ khoảng 0,3 - 0,5%/năm và sẽ tương đương với lãi suất tại thời điểm đầu năm 2024”, bà Hiền dự báo.

Duy trì ở mặt bằng thấp trong năm 2024

Nhận định về xu hướng lãi suất huy động, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều. Kịch bản xấu nhất, theo ông Hưng, lãi suất sẽ tăng 1%/năm, còn bình thường chỉ 0,3 - 0,5%/năm.

Còn theo bà Trần Thị Khánh Hiền, một vài ngân hàng thương mại quy mô nhỏ đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất tăng từ đầu tháng 4 ở một số kỳ hạn, tuy nhiên nhìn chung, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng thấp trong năm 2024.

Ông Hưng chia sẻ thêm về câu chuyện thị trường: “Giữa kỳ hạn dưới 6 tháng và trên 6 tháng mức độ chênh lệch khoảng 2%/năm. Ngân hàng luôn thả nổi lãi suất và 3 tháng 1 lần điều chỉnh nhưng 12 tháng lại hoàn toàn cố định. Huy động tiền gửi kỳ hạn dài thường các ngân hàng phải bù rất nhiều. Hiện TPBank vẫn đang phải trả lãi suất 12 tháng của người gửi tiền từ tháng 5/2023 với lãi suất khoảng 8%/năm”.

Cũng theo Tổng giám đốc TPBank, huy động tiền gửi mà không cho vay được để trả lãi khách hàng là ngân hàng “đủ để chết”. Nếu có nguồn cho vay thì huy động cao một chút cũng không phải là vấn đề. Ví dụ, cho vay với lãi suất 7,5 - 8%/năm mà huy động 6%/năm cũng giúp ngân hàng có chút lãi mỏng, còn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất chỉ 3%/năm mà không cho vay được, điều này đồng nghĩa ngân hàng bị lỗ.

Trong diễn biến có liên quan, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 4 tháng đầu năm rất khó khăn, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chịu tác động rất lớn từ đà tăng trưởng chậm lại của thế giới và cả những khó khăn nội tại. Tín dụng trong 2 tháng đầu năm bị âm, không tăng trưởng được, dù cơ chế, bộ máy, chính sách vẫn như vậy. Cầu tín dụng không có, cầu đầu tư, tiêu dùng đều thấp. Doanh nghiệp cũng chịu nhiều khó khăn khi đơn hàng có tăng nhưng giá cả đầu vào cũng tăng mạnh.

“Tuy nhiên, từ tháng 3, tăng trưởng tín dụng đã tích cực hơn và hiện tại đạt khoảng 1,5%. Ở góc độ cơ quan quản lý, vấn đề là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, giữ cho tỷ giá được ổn định. Đây là hai yếu tố cơ bản nhất, nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cùng với điều kiện tiếp cận tín dụng tốt nhất và vốn đầy đủ nhất”, ông Tú nói.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cùng với chính sách tiền tệ, hiện nay, các chính sách hỗ trợ khác từ Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang được triển khai tích cực để thúc đẩy nhu cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng. Vốn và thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn dồi dào nên doanh nghiệp nếu có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu chắc chắn sẽ được cho vay. Bên cạnh đó, lãi suất hiện đã rất thấp trong vài chục năm nay, nhất là các khoản vay mới.

Ông Tú nhấn mạnh: “Điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý bởi có liên quan tới chính sách tỷ giá. Do đó, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát. Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên”.

Hồng Dung

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lai-suat-da-tang-post344303.html