Mệt mỏi với 'giặc dốt'

Trong đêm diễn gần đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vốn được fan cuồng gọi là 'ông hoàng', xuất hiện với bộ quân phục pha trộn kiểu 'đông tây y kết hợp cúng bái' khiến dư luận bất bình. Bộ quân phục này có phảng phất kiểu sĩ quan SS với mớ huân chương, huy hiệu tả pí lù; thậm chí có vật thể giống 'Biệt công bội tinh' thời chế độ Sài Gòn. Sau khi nhận phản hồi từ người xem, Đàm Vĩnh Hưng trần tình rằng mình không có ý gì, và hứa sẽ không dùng trong buổi diễn tiếp theo.

Hình ảnh rất phản cảm trong show diễn là những vũ công vai người lính khom lưng quỳ gối để “ông hoàng” thản nhiên giẫm lên. Tuy có những phản ứng gay gắt nhưng với những khán giả bao dung hơn thì họ không nâng quan điểm quá nặng nề mà chỉ coi tiết mục nọ là kết quả của sự “khiếm thị” văn hóa.

Môi trường văn hóa hiện nay đã cởi mở rất nhiều nhưng không có nghĩa có thể làm bất kỳ điều gì thiếu suy nghĩ. Chấp nhận mở cửa nghĩa là chấp nhận những cơn gió vào nhà và biết chắc chắn sẽ có bụi bẩn. Vấn đề là phải chăm quét dọn. Vừa rồi, một giáo viên của một trường quốc tế phát một cuốn sách nhạy cảm cho học sinh nghiên cứu thảo luận. Cuốn sách khiến phụ huynh và những người quan tâm tá hỏa khi có những trang mô tả trần trụi cảnh “giường chiếu” với quan hệ kiểu đồng giới. Những cuốn sách như trên được lưu hành trong môi trường giáo dục sẽ có những hệ lụy khôn lường.

Như đã đề cập, đời sống “cầu vồng” là một hiện tượng lây lan mang tính xã hội. Hiện tượng này được các nước phương Tây cấp tiến thả nổi ở mức cổ súy nhưng các nước có nền văn hóa khác lại nghiêm cấm. Tại những nước được coi là “bảo thủ” này, mặc dù người thuộc giới “cầu vồng” được tôn trọng nhưng sẽ là phạm pháp nếu họ tuyên truyền lan tỏa lối sống này. Tại World Cup Qatar, bảy đội bóng châu Âu muốn đội trưởng đeo băng màu cầu vồng để ủng hộ giới cầu vồng này đã bị chủ nhà Qatar phản đối. Tuy vậy, đội Đức đã chọn hình thức chụp ảnh che miệng để phản đối. Đây là những thái độ trịch thượng áp đặt văn hóa.

Không phải cứ nhân danh giáo dục phương Tây là khai phóng và hoàn hảo.

Trên mạng xã hội có video quay cảnh một vloger phỏng vấn một bé gái chừng 10 tuổi rằng cháu biết gì về Điện Biên Phủ? Cháu nói không biết. Có tiếng một phụ nữ (có thể là mẹ cháu) giải thích là cháu học trường quốc tế nên không giỏi tiếng Việt. Lạ chưa? Hiện nay có một số phụ huynh tự hào khi con nói tiếng Anh giỏi và không thạo tiếng Việt. Tiếng Anh là một phương tiện mưu sinh thực dụng quốc tế nhưng là con người đâu phải chỉ có một nhu cầu mưu sinh.

Tháp Maslow được giảng dạy rất nhiều với hình tam giác chia nhu cầu. Khái quát thì các tầng đáy là nhu cầu vật chất, tầng cao và đỉnh thuộc về nhu cầu tinh thần, khẳng định đẳng cấp. Một dân tộc cũng vậy, phần đáy là đảm bảo quyền sống, tầng cao là thể hiện đẳng cấp của dân tộc mình. Hiện nay, vị thế Việt Nam được nhiều quốc gia ngưỡng mộ, vậy tại sao người Việt lại thiếu đi sự tự hào về dân tộc mình? Thiếu tinh thần tự hào tự tôn thì đào tạo khó thành người hoàn chỉnh. Vì sao môi trường giáo dục quốc tế lại sinh ra “giặc dốt”?

Trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu thì vẫn thấy những phương tiện tuyên truyền mắc lỗi. Một bức poster của tỉnh nọ in khẩu hiệu về Điện Biên Phủ lại kèm ảnh giải phóng miền Nam 1975. Trên một chương trình truyền hình, khi trám hình cho một nhân vật binh chủng tăng thiết giáp kể chuyện thì lại lẫn một đoạn phim pháo tự hành của quân đội Sài Gòn duyệt binh. Những sơ suất như vậy không nên nói giảm nói tránh mà phải nói thẳng là dốt. Dốt văn hóa và dốt sử khó mà tách rời.

Hy vọng trong tương lai gần chúng ta sẽ có bộ sách giáo khoa về văn hóa Việt Nam. Truyền thống tương thân tương ái, bầu ơi thương lấy bí cùng, tối lửa tắt đèn, lòng yêu nước nồng nàn mới khiến cho dân tộc được lớn mạnh, trường tồn. Ngay cả các bậc phụ huynh nhiều khi cũng đồng lõa với con cái, coi môn giáo dục công dân là môn học phụ nên chỉ tập trung vào các môn chính như toán, văn. Nếu không được rèn về đạo đức đầy đủ thì con em chúng ta có thể trở thành các VIP chưa chắc đã lắm tài nhưng lại nhiều tật và tiềm ẩn nhiều hệ lụy, sai lầm phải trả giá đắt trong cuộc sống.

Con người trước tiên phải thuộc về cộng đồng mình sinh ra, lớn lên. Học sinh cần được dạy về lòng biết ơn tổ tiên và các thế hệ đi trước chứ không phải chỉ một mục tiêu mưu sinh ích kỷ. Phải có ngàn đời hy sinh thì chúng ta mới có Tổ quốc. Ngày 27/7, học sinh các cấp nên được đến các đài tưởng niệm liệt sĩ để chăm sóc nơi an nghỉ và tưởng niệm những người có công với nước. Hiểu rộng ra, ngày đó không chỉ ghi công những tấm gương vì nước trong thời đại Hồ Chí Minh mà còn tưởng nhớ cha ông nghìn năm dựng và giữ nước. Đó sẽ là ngày dạy lịch sử hiệu quả nhất.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/met-moi-voi-giac-dot-i731261/