Lãi suất chạm đáy, người dân rút tiền khỏi ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, sau 25 tháng tăng trưởng liên tiếp, tháng 1/2024, khi lãi suất chạm đáy người dân rút 34.643 tỷ đồng khỏi ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024. Theo đó, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm.

Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1/2024 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457.000 tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.

Tương tự, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34.600 tỷ đồng, tương đương 0,53% trong tháng đầu năm 2024, xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng 25 tháng liên tiếp trước đó.

Nhiều khoản tiền gửi của dân cư đã không ở lại ngân hàng khi lãi suất xuống thấp

Trên thực tế, việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh trong những tháng đầu năm được cho là do yếu tố mùa vụ, không có gì bất thường. Chẳng hạn như tháng 1/2023 tiền gửi tổ chức kinh tế giảm gần 250 nghìn tỷ đồng, tháng 1/2022 giảm hơn 68 nghìn tỷ. Nguyên nhân do đây là thời điểm cuối năm tài chính và cũng là dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp có xu hướng rút bớt tiền khỏi hệ thống ngân hàng để phục vụ cho các nhu cầu chi lớn như trả lương, thưởng cho người lao động…

Tuy nhiên, lượng tiền gửi dân cư sụt giảm thì có thể do yếu tố đặc thù của năm nay. Trái với mọi năm, các ngân hàng thường tăng lãi suất huy động, tung ra các chương trình khuyến mại để thu hút tiền gửi dịp Tết và đầu năm, thì năm nay, mặt bằng lãi suất lại giảm xuống vùng thấp kỷ lục, do tín dụng các ngân hàng vẫn tăng trưởng âm trong tháng đầu năm. Nhiều khoản tiền gửi trước đây có thể được hưởng lãi suất lên tới 10 - 11% thì nay chỉ còn được hưởng lãi khoảng một nửa con số nêu trên nếu gửi cùng kỳ hạn.

Ghi nhận trên thị trường từ tháng 1 đến tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã xuống dưới 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, nhiều nơi chỉ huy động với lãi suất 4,5%/năm. Từ đầu tháng 4/2024, lãi suất huy động mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, thống kê có 16 ngân hàng điều chỉnh tăng, có nơi tăng đến 0,9 điểm phần trăm. Các ngân hàng tăng lãi suất bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLongBank, VietinBank, ACB. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lại lớn như vậy.

Theo TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, do lãi suất thấp, dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán… Trong đó, riêng đối với vàng trong quý I/2024 giá đã tăng 23%, do đó, chỉ cần nắm vàng từ đầu năm người dân đã lãi 23%. Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền trong nước cũng “cân” toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng một phiên. Cùng với đó, tiền vào thị trường bất động sản cũng có sự phục hồi đáng kể với hàng loạt yếu tố tích cực.

Dẫu vậy, theo TS Phạm Xuân Hòe, với xu hướng nhích lãi suất tiền gửi từ nay tới cuối năm thì tiền gửi ngân ngân cũng sẽ phục hồi.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lai-suat-cham-day-nguoi-dan-rut-tien-khoi-ngan-hang-317647.html