Thủy sản Trường Giang: Xuất khẩu cá tra dần hồi phục dù tín hiệu còn chậm

Trong quý I/2024, sản lượng xuất khẩu cá tra của Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang tăng trưởng 5-7% so với cùng kỳ nhưng vẫn mới chỉ lấy lại đà của năm 2023.

Đơn hàng “nhích” nhẹ

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam, thủy sản Trường Giang hiện xuất khẩu hơn 50% lượng hàng sang Trung Quốc. Còn lại phục vụ chủ yếu các thị trường như Canada, Colombia, Đài Loan, Singapore…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết trước bối cảnh toàn ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 411 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023 thì lượng đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này những tháng đầu năm có sự khởi sắc khi sản lượng xuất khẩu tăng từ 5-7% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Ong Hàng Văn (phải) tiếp lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tong chuyến thăm và làm việc với doanh nghiệp.

Ông Ong Hàng Văn (phải) tiếp lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tong chuyến thăm và làm việc với doanh nghiệp.

Thực tế, từ những tháng đầu năm tồn kho mặt hàng này tại các thị trường trên thế giới giảm dần. Đây là nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu cá tra dần có tín hiệu tích cực trở lại.

Theo ông Văn, áp lực tồn kho của doanh nghiệp đã giảm dần sẽ là cơ hội để tăng sản xuất và thực hiện những đơn hàng mới với mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, quý 1 năm nay, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực nhưng nhu cầu tại các thị trường chính vẫn chưa phục hồi mạnh.

Riêng với thủy sản Trường Giang, có sự chuyển dịch tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp vào các thị trường khá rõ rệt. Nếu tháng 4/2023, xuất khẩu cá da trơn của công ty vào Trung Quốc chiếm 57%, Colombia 8,5%, Singapore chiếm 4,2% thì tháng 4/2024, tỷ trọng thay đổi lần lượt là 64%, 15% và 6,2% (tăng lần lượt là 30%, 108% và 69%).

Ông Văn lý giải, Trung Quốc giảm tồn kho nên tăng mua đồng thời các thị trường Nam Mỹ như Colombia chuộng cá tra với giá rẻ nên tăng hơn 100% tỷ trọng xuất khẩu của Trường Giang so với cùng kỳ. Riêng Canada do nhiều biến động nên đã sụt giảm tới hơn 47% tỷ trọng.

Vì các thị trường chính chưa hồi phục mạnh mẽ nên doanh nghiệp buộc phải tìm cho mình những thị trường “ngách” khác nhằm bù đắp, đơn cử là các nước khu vực Nam Mỹ như vừa phân tích.

“Hiện đơn hàng cũng tương đối so với năm 2023 nhưng vẫn không phải tín hiệu quá lạc quan. Giá bán cũng còn khá thấp đặc biệt còn phải cạnh tranh với các dòng cá thịt trắng khác khi xuất khẩu”, lãnh đạo thủy sản Trường Giang cho hay.

Tháng 4/2024, Thủy sản Trường Giang đứng thứ 2 (sau Vĩnh Hoàn) về sản lượng xuất khẩu cá tra. Ảnh: TG

Tháng 4/2024, Thủy sản Trường Giang đứng thứ 2 (sau Vĩnh Hoàn) về sản lượng xuất khẩu cá tra. Ảnh: TG

Ông Văn dự báo, do tình hình xuất khẩu khó khăn từ năm 2023 nên cả người nuôi và doanh nghiệp nuôi cá đều điều chỉnh sản lượng nuôi giảm; thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến nuôi cá do đó khả năng cao nguyên liệu cá tra từ đây đến cuối năm không dồi dào. Vì vậy, tình hình có thể tốt lên từ quý 3 và quý 4 kéo theo xu hướng giá sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại. Khi đó doanh nghiệp sẽ ổn định hơn.

Dẫn số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ông Văn chỉ rõ xuất cá tra trong tháng 4 tăng 13% đạt 168 triệu USD cũng là tín hiệu khả quan đáng chú ý, sau khi sụt giảm liên tục trong tháng 2 và tháng 3. Trong đó, xuất khẩu khả quan hơn tại thị trường Mỹ, đặc biệt sau khi các doanh nghiệp cá tra tham gia Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ hồi tháng 3, tiếp sau đó là Triển lãm thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha cuối tháng 4. Ngoài các mặt hàng chủ lực là cá tra phile đông lạnh, các doanh nghiệp có khuynh hướng tăng cường giới thiệu các sản phẩm cá tra chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nhập khẩu cũng như khách tham quan. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 579 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng vẫn còn nhiều mối lo

Nhìn lại tổng quan năm 2023, ông Văn nhận định gần như 90% doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều thua lỗ. Đây được coi là bức tranh ảm đảm bậc nhất từ trước đến nay đối với ngành hàng xuất khẩu tỷ USD.

“Thị trường không thể hồi phục ngay lập tức, hay khởi sắc chỉ trong thời gian ngắn. Mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan của tình hình thế giới và cả nội tại doanh nghiệp. Theo tôi, nhìn vào giá bán ai cũng biết thị trường cá tra vẫn chưa thực sự khởi sắc đâu, chỉ mới đỡ hơn một chút thôi”, ông Văn nói.

Từ sau dịch COVID-19 đến nay giá thức ăn tăng hơn 30% khiến cho người nuôi trồng lẫn doanh nghiệp ngành hàng này đứng trước nhiều thách thức khi mà nguyên liệu đầu vào này quyết định 70% giá thành của con cá tra. Nếu cộng cả các công đoạn giống, nuôi thương phẩm thì sẽ chiếm tới 80% giá thành của ngành hàng này.

Với tồn tại này kèm theo sức tiêu thụ tại nội địa lẫn xuất khẩu các thị trường giảm, lượng tồn kho lớn từ đầu năm 2023, doanh nghiệp đã phải hạ giá thành để cạnh tranh cũng như giải quyết tồn kho.

Nói thêm về thủy sản Trường Giang, ông Văn kể, đầu những năm 2000 là thời kỳ có nhiều cơ hội lớn cho cá tra, với sự chấp nhận của Mỹ, Nhật Bản… những người tiên phong của công ty đã gấp rút nắm bắt thị trường đầy hứa hẹn này bằng việc khai trương nhà máy đầu tiên tại Sa Đéc, Đồng Tháp.

“Trong suốt những năm qua, công ty đã chứng kiến vô số thăng trầm trên thị trường, với những thay đổi to lớn diễn ra vài năm một lần. Trong lúc khó khăn, sự nỗ lực chung của mỗi cá nhân trong công ty đã dẫn dắt chúng tôi tiến lên giữa biển khơi đầy sóng gió và bấp bênh. Ngày nay, chúng tôi đã khẳng định mình là một trong những nhà sản xuất cá tra hàng đầu tại Việt Nam. Thành công của chúng tôi bắt nguồn từ quyết tâm, niềm đam mê và cam kết về chất lượng mà các bên liên quan đánh giá cao”, ông Văn tự hào về thương hiệu mình góp công gây dựng.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuy-san-truong-giang-xuat-khau-ca-tra-dan-hoi-phuc-du-tin-hieu-con-cham-d215251.html