Thúc giải ngân đầu tư công, gỡ vướng dự án

Đại biểu Quốc hội đề nghị TP HCM đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết ngập nước, căn hộ tái định cư...

Ngày 16-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM tổ chức hội nghị làm việc với UBND TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 57/2022 của QH.

Nỗ lực giải ngân vốn

Báo cáo với Đoàn ĐBQH TP HCM, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tiếp đà tăng trưởng quý I, các chỉ số kinh tế - xã hội trong tháng 4 đều tăng so với cùng kỳ. Điển hình như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng cao nhất kể từ năm 2022. Trong khi đó, việc thực hiện Nghị quyết 98 đạt một số kết quả bước đầu. Về thực hiện Nghị quyết 57/2022 của QH về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM, cơ bản bảo đảm tiến độ.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề đô thị, đầu tư được các ĐBQH đề cập. ĐB Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, nhìn nhận thành phố rất nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2023 về giá trị tuyệt đối nhưng so với kế hoạch thì chỉ đạt 7%-8%. Do đó, ông đề nghị TP HCM cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công để có nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn. ĐB Trần Hoàng Ngân dẫn chứng thành phố có nhiều dự án chỉ còn "một chút nữa" là về đích nhưng bị dừng lại vì gặp khó khăn về vốn, pháp lý hoặc có thể vướng vào các vụ án đang được tòa xử lý. Như tòa nhà đối diện chợ Bến Thành, mặt tiền đường Trần Hưng Đạo ở quận 1, chỉ còn vài phần trăm nhưng không thực hiện tiếp được. Ông kiến nghị TP HCM cần làm việc ngay với các cơ quan trung ương để ưu tiên tháo gỡ dự án này cũng như các dự án mặt tiền lớn. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng tình trạng kẹt xe, ngập nước, quá tải tại các bệnh viện đòi hỏi TP HCM phải tập trung giải quyết để bảo đảm cuộc sống người dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố sẽ vận dụng những cơ chế của Nghị quyết 98 để gỡ vướng cho các dự án

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố sẽ vận dụng những cơ chế của Nghị quyết 98 để gỡ vướng cho các dự án

Đồng tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết cử tri rất quan tâm vấn đề ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước; liên tục thắc mắc trong các buổi tiếp xúc với ĐBQH. "TP HCM mới bắt đầu vào mùa mưa mà đã ngập. Chuyện này cử tri rất lo lắng, trong khi dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng đứng yên" - ĐB Nghĩa nói. ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đặt câu hỏi về công tác quản lý nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn. "Hiện có hàng ngàn nhà ở đang bỏ trống, thành phố có giải pháp gì để khắc phục? Thành phố có kiến nghị gì với trung ương, QH để tháo gỡ?" - ĐBQH Tô Thị Bích Châu trao đổi.

Đấu giá trước các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

Phản hồi ý kiến của ĐBQH về căn hộ tái định cư bỏ trống, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết theo thống kê của Sở Xây dựng, TP HCM còn hơn 11.000 căn hộ và nền đất, trong đó có gần 9.000 căn hộ và hơn 2.000 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, đang để dành.

Đối với những căn hộ và nền đất này, TP HCM phân nhóm để xử lý, nhóm có chủ trương đấu giá và nhóm bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công. Theo ông Khiết, TP HCM có chủ trương đấu giá 4.969 căn hộ và nền đất, gồm 4.927 căn hộ và 42 nền đất; 3.790 căn hộ ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và gần 1.000 căn hộ ở Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Thời gian tới, TP HCM sẽ cho đấu giá trước các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm; cuối năm nay, khi hoàn tất các thủ tục sẽ cho đấu giá 3.790 căn hộ. Về nhóm căn hộ, nhà đất TP HCM để dành bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công, ông Khiết thông tin có 5.467 căn hộ và nền đất. "Theo quy định, muốn thực hiện một dự án đầu tư công, phải chuẩn bị trước quỹ nhà và nền đất. Số lượng căn hộ và nền đất này phải để trống, sẵn sàng cho 258 dự án đầu tư công đang triển khai" - ông Khiết nói.

Theo ông Khiết, Sở Xây dựng cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các thủ tục liên quan đến pháp lý, thẩm quyền để tổ chức đấu giá các căn hộ đã có chủ trương. Còn những căn hộ và nền đất để bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công thì phụ thuộc vào các dự án đầu tư công. Hằng năm, Sở Xây dựng đều có rà soát ở các địa phương và đề nghị các dự án đầu tư công không triển khai kịp trong năm thì quỹ nhà sẽ phân bổ cho dự án khác, tránh trường hợp để trống như hiện nay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, các dự án đầu tư công thường kéo dài vài năm nên quỹ nhà này sẽ tiếp tục để trống, dành bố trí tái định cư.

Thông tin về những nội dung khác, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho rằng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công luôn là đầu việc được thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh vốn đầu tư công và đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Nhiều giải pháp đồng bộ được lãnh đạo thành phố chỉ đạo. Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, những cơ chế có trong Nghị quyết 98 sẽ được vận dụng để tháo gỡ các dự án. Các vấn đề khác thành phố cũng đang nỗ lực giải quyết.

Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM Hà Phước Thắng đề nghị UBND thành phố ghi nhận những kiến nghị của các ĐBQH để tiếp tục bổ sung vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội thành phố trong những tháng còn lại của năm 2024. Đối với những kiến nghị, đoàn sẽ tập hợp để trao đổi, thảo luận tại nghị trường.

Kiến nghị triển khai sớm Luật Đất đai

Thông tin về nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết TP HCM dự kiến phát triển 26.000 - 35.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện quý I/2024 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 3 dự án với gần 900 căn; đang thi công 6 dự án với 4.800 căn. Các dự án còn lại đang được phân nhóm để thực hiện. Ông Khiết kiến nghị Đoàn ĐBQH TP HCM báo cáo QH cho phép triển khai Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1-7 tới thay vì ngày 1-1-2025. Bởi hầu hết các dự án đang vướng vì chờ các điều kiện ưu đãi từ 3 luật này.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-giai-ngan-dau-tu-cong-go-vuong-du-an-19624051621550682.htm