Nhân Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4/10: Mỗi gia đình một bình chữa cháy

Nước xa không cứu được lửa gần, bởi vậy 'mỗi gia đình có một bình chữa cháy' là mục tiêu đặt ra nhằm phát huy tối đa phương châm '4 tại chỗ', xử lý đốm lửa nhỏ ngay từ khi mới phát sinh cháy.

Ngăn đốm lửa nhỏ, giảm hậu họa lớn

9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ cháy, trong đó có 2 vụ cháy nghiêm trọng làm 4 người chết, 4 người bị thương; thiệt hại 5,24 tỷ đồng. Trong đó có 5 vụ cháy xảy ra do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng lửa và sự cố hệ thống điện. Tất cả các vụ cháy lớn này đều bắt nguồn từ một tia lửa nhỏ, do không được xử lý kịp thời dẫn đến cháy lớn.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn tại khách sạn Mường Thanh Bắc Giang.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn tại khách sạn Mường Thanh Bắc Giang.

Khi lực lượng chức năng tiếp cận thì ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, khói độc tỏa ra khắp nơi. 5 phút đầu trong công tác chữa cháy được coi là thời điểm vàng, có ý nghĩa quyết định sống còn. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) chuyên nghiệp có nhanh đến đâu cũng sẽ mất thời gian di chuyển đến hiện trường. Chưa kể những tình huống giao thông hoặc vị trí, điều kiện tiếp cận, xử lý đám cháy… gây trở ngại cho quá trình chữa cháy.

Lúc này, lực lượng tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng trong phát hiện, xử lý. Mỗi người dân nơi cư trú, thành viên trong gia đình, mỗi người lao động tại cơ quan, đơn vị có mặt ở đám cháy chính là những người có khả năng, điều kiện thuận lợi nhất để xử lý ban đầu trước khi ngọn lửa bùng lên. Nhớ lại vụ cháy xảy ra chiều 14/8, Thượng tá Phan Hồng Quyền, Phó trưởng Phòng công tác Đảng và công tác chính trị (Công an tỉnh) chia sẻ: “Chỉ chậm một phút nữa thôi là lái xe, phụ xe gặp nguy hiểm, chiếc xe ô tô sẽ bị thiêu rụi”.

Hôm đó, Thiếu úy Bùi Ngọc Hải, Phòng Hậu cần (Công an tỉnh) đang di chuyển về trụ sở Công an tỉnh ở đường Tây Yên Tử, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang), phát hiện chiếc ô tô tải BKS 98H - 032.31 bốc cháy. Ngọn lửa càng lớn vì xe chở toàn vật liệu dễ cháy như bìa, thùng nhựa. Qua đánh giá nhanh tình hình, Thiếu úy Hải nhận thấy chỉ có nguồn nước tại trụ sở Công an tỉnh là gần nhất, có thể cứu được chiếc xe. Anh nhanh chóng xin ý kiến cấp trên và hướng dẫn chủ phương tiện đưa xe vào trụ sở Công an tỉnh. Lúc này, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy, múc nước từ hồ cứu hỏa để dập lửa.

Cán bộ công an hướng dẫn người dân xã Vân Trung (Việt Yên) sử dụng bình chữa cháy.

Cán bộ công an hướng dẫn người dân xã Vân Trung (Việt Yên) sử dụng bình chữa cháy.

Còn ông Dương Văn Hoàng, thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cho biết, tháng 3/2023, cột điện cạnh nhà đột ngột phát lửa cháy xèo xèo ngay trước mắt. Ông luống cuống không biết xử trí ra sao thì ngọn lửa bén vào cửa nhà. Lúc ấy, một thanh niên đi đường đã nhanh trí cầm theo bình chữa cháy phun liên tục nên đã khống chế được, không để cháy lan. Hay như vụ cháy xưởng may gia công bao bì ở xã Đồng Vương (Yên Thế) xảy ra vào hồi 4 giờ sáng 23/9. Phát hiện đám cháy, anh Lý Ngọc Tuân, bản Đồng Tân đã hô hoán, phối hợp cùng tổ dân phòng, Công an xã, cán bộ Trại giam Ngọc Lý phá cổng, di chuyển nhiều tài sản, chất cháy như: Ô tô, bao bì thành phẩm, 4 phi dầu… ra ngoài.

Mọi người cần nâng cao ý thức

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cho biết, đơn vị đã tham mưu Giám đốc, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các kế hoạch chỉ đạo thực hiện. Tập trung xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ, trang bị phương tiện xử lý đám cháy ngay tại cơ sở không để xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người xảy ra trên địa bàn.

Cư dân chung cư Bách Việt Arena Garden, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) sử dụng bình chữa cháy.

Cư dân chung cư Bách Việt Arena Garden, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) sử dụng bình chữa cháy.

Hiện toàn tỉnh có gần 254.600 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, đạt 52% so với kế hoạch; thành lập, duy trì hoạt động của 760 mô hình tổ liên gia PCCC. Tại huyện Yên Dũng, Công an huyện đã vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tặng bình chữa cháy cho 100% hộ nghèo, 75% hộ cận nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công an huyện đã triển khai phong trào “Trao niềm tin, gửi sự an toàn” ở tất cả 18 xã, thị trấn trên địa bàn. Tại UBND các xã, thị trấn, trường học, cơ quan, lực lượng công an đã kết hợp tổ chức chia sẻ kiến thức, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức xử lý đám cháy và cứu nạn cho hàng trăm nghìn người dân.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổng rà soát, tổng hợp danh sách các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định. Sau đó tổ chức thành lập các đoàn liên ngành theo các cấp để kiểm tra. Sau cuộc kiểm tra, chủ cơ sở, hộ gia đình tự trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện phá dỡ, tổ chức cứu nạn; vận động các hộ mở lối thoát nạn thứ hai, tháo dỡ “chuồng cọp”. Tập trung rà soát, thành lập, xây dựng, thực tập phương án, lực lượng PCCC và CNCH tại các tổ liên gia nhằm giải quyết các vụ cháy xảy ra từ ngay khi mới phát sinh.

Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu 100% hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy, có một người trong hộ được tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH. Vì vậy, mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần xác định mình là mắt xích quan trọng trong mặt trận PCCC và CNCH; có ý thức nâng cao cảnh giác với cháy nổ, tự trang bị kiến thức, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng” .

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/412801/nhan-ngay-toan-dan-phong-chay-chua-chay-4-10-moi-gia-dinh-mot-binh-chua-chay.html