Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế tập thể

Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh không ngừng đổi mới, phát triển và có đóng góp tích cực vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế tập thể (KTTT) nói chung được xem như một giải pháp trợ lực cho nền kinh tế của tỉnh phát triển.

Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh không ngừng đổi mới, phát triển và có đóng góp tích cực vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế tập thể (KTTT) nói chung được xem như một giải pháp trợ lực cho nền kinh tế của tỉnh phát triển.

Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, sau nhiều năm, HTX Green Life (xã Hợp Tiến, Kim Bôi) thông qua "kênh" khuyến công mới có thể đầu tư thiết bị sản xuất, góp phần đưa sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, sau nhiều năm, HTX Green Life (xã Hợp Tiến, Kim Bôi) thông qua "kênh" khuyến công mới có thể đầu tư thiết bị sản xuất, góp phần đưa sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng là thực tế chung mà nhiều HTX phải đối mặt. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều HTX chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn…

Năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới 70 HTX và 12 tổ hợp tác. Trong tỉnh hiện có 758 tổ chức KTTT, trong đó có 640 tổ chức KTTT sản xuất - kinh doanh (SX-KD) ổn định, xấp xỉ 73% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; thu hút 16,3 nghìn thành viên và 28 nghìn lao động tham gia. Tuy nhiên, theo Liên minh HTX tỉnh, phân loại theo quy mô thành viên thì HTX siêu nhỏ chiếm tỷ lệ 97,3%, không có HTX vừa, lớn; phân theo quy mô vốn, tỷ lệ HTX siêu nhỏ chiếm 48,3%, không có HTX lớn…

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, năm 2023, có 31 HTX và thành viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng, tức là chưa đến 4,1% mô hình KTTT được vay vốn. Có 5 HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX T.Ư với dư nợ gần 2,8 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng số tổ chức KTTT. Hầu hết các HTX còn lại phải vay ở thị trường phi chính sách với lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn, chủ yếu phục vụ đáo nợ, chờ vốn tín dụng.

Theo đồng chí Trịnh Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, qua khảo sát cho thấy, đa số HTX trên địa bàn tỉnh đều có nhu cầu vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, song nhiều HTX còn khó khăn trong tài sản đảm bảo khi thế chấp vay vốn. Nhiều HTX khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng do còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn, thiếu công khai, minh bạch, chưa thực hiện đúng quy định về quản lý tài chính kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chưa đáp ứng kịp sự thay đổi thị trường dẫn tới chưa xây dựng được phương án SX-KD khả thi để tiếp cận vốn. Một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Giá cả thị trường không ổn định, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến SX-KD của một số HTX. HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, hàng hóa sản xuất chưa đa dạng, khả năng cạnh tranh thấp…

Phải giải thể sau 1 năm hoạt động, anh Bùi Văn Niên, nguyên Giám đốc HTX Nông nghiệp Đú Sáng (Kim Bôi) chia sẻ: Với mong muốn tập trung phát triển trồng bầu, bí, rau xanh và chăn nuôi, tôi đã vận động được 9 thành viên cùng góp vốn để thành lập HTX với vốn điều lệ 100 triệu đồng. Sau gần 1 năm hoạt động, các thành viên không huy động được thêm vốn, không hình thành được sự liên kết với các hộ dân để tìm kiếm dự án phát triển sản xuất, dẫn tới HTX ngừng hoạt động và giải thể.

"Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức KTTT "khát vốn”, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, nông nghiệp… bởi không có tài sản đảm bảo nên HTX không "xoay” ra vốn”. Khi "bí” vốn, Ban giám đốc phải cầm cố tài sản cá nhân vay vốn ngân hàng, còn không thể tiếp cận tín dụng theo kênh chính sách, ưu đãi”- Ông Nguyễn Tiến Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) huyện Lương Sơn cho biết.

Cần nhiều giải pháp khơi thông nguồn vốn

Ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh nêu quan điểm: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền tỉnh và đặc biệt là hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng có nhiều giải pháp gỡ khó cho cộng đồng DN, HTX. Trong đó ngành Ngân hàng đã chủ động các giải pháp kết nối ngân hàng - DN, HTX, hạ lãi suất cho vay… Song nhìn chung, sức hấp thu vốn của nhiều DN, HTX hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do "sức khỏe” của các DN, HTX còn yếu, tài sản đảm bảo ít, thậm chí là không có nên khó tiếp cận vốn vay. Do vậy, các DN, HTX cần chú trọng nâng cao trình độ quản lý; xây dựng phương án SX-KD khoa học, phù hợp với thực tiễn; cân đối nguồn vốn, tùy theo năng lực tài chính của DN, HTX để quyết định đầu tư; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các DN, HTX để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn lực. Đặc biệt, trong quá trình kinh doanh, các DN, HTX cần có ý thức tích lũy tài sản để có điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.

Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh mới đạt trên 19 tỷ đồng. Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho khu vực KTTT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chủ trương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản, phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX; tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Theo đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình, NHNN sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân, DN, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; rà soát, sửa đổi Thông tư số 39 của NHNN, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Duy Tửu, đại diện Hội DN thành phố Hòa Bình, qua theo dõi, Hội nhận thấy dù các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, tiếp sức cho cộng đồng DN rất đa dạng, tuy nhiên sức hấp thụ vốn còn khiêm tốn. Lý do chủ yếu là các gói vay ưu đãi thường yêu cầu các điều kiện khá nghiêm ngặt nên DN cũng "ngại” tiếp cận. Bởi vậy, khi triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu theo hướng thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn để chính sách đi vào thực tiễn, DN có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận các gói vay ưu đãi lãi suất.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/189333/khoi-thong-von-tin-dung-phat-trien-kinh-te-tap-the.htm