Khởi nghiệp bằng mở xưởng may, người phụ nữ khuyết tật tạo việc làm cho 20 lao động

Bị khuyết tật vận động nhưng chị Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1972, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã vượt lên nghịch cảnh, mạnh dạn khởi nghiệp bằng mở xưởng may. Hiện chị tạo việc làm cho 20 lao động nữ.

 Bị khuyết tật vận động, chị Nguyễn Thị Hiếu nỗ lực không ngừng để có cuộc sống tốt đẹp

Bị khuyết tật vận động, chị Nguyễn Thị Hiếu nỗ lực không ngừng để có cuộc sống tốt đẹp

Khi chào đời, giống như bao đứa trẻ khác, Hiếu cũng là đứa trẻ lành lặn, đầy đủ chân tay. Khi được 2 tuổi, sau trận sốt cao, đôi chân của Hiếu bị bại liệt. Khỏi phải nói, những năm tháng đi học, Hiếu đã mặc cảm, tự ti thế nào. Hiếu luôn bị bạn bè trêu chọc và xa lánh. Không cam chịu với số phận, cô gái không có đôi chân lành lặn chỉ biết cố gắng học tập thật tốt để có được sự tin yêu của thầy cô và bạn bè.

Học xong, đối diện với vấn đề tìm việc làm, với người khuyết tật như chị Hiếu là rất khó khăn. Thế nhưng, chị Hiếu không cam chịu với số phận, không thể làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. "Tôi đã quyết tâm đi học nghề để sau này nuôi bản thân và vượt qua chính mình. Mới đầu, tôi vào TP. Hồ Chí Minh xin làm việc trong Công ty may để học nghề. Thời gian đó rất vất vả với tôi. Đối với người lành lặn, học may thì đơn giản nhưng với đôi chân của tôi thì tập đạp máy là vấn đề rất nan giải.

Thế nhưng, tôi vẫn kiên trì, quyết tâm tập luyện tập hàng ngày. Cuối cùng, những nỗ lực của tôi đã thành công. Tôi đã biết may và ráp thành thạo. Tôi chăm chỉ làm việc hết năm này qua năm khác. Nhờ vậy, tay nghề của tôi ngày càng cao. Thu nhập của tôi tăng lên hàng tháng, tôi đã dần có ít vốn tiết kiệm và để dành tích lũy", chị Hiếu chia sẻ.

Xưởng may của chị Hiếu hiện có hơn 20 máy may công nghiệp, 20 công nhân làm tại xưởng

Xưởng may của chị Hiếu hiện có hơn 20 máy may công nghiệp, 20 công nhân làm tại xưởng

Sau khi tích lũy được một ít vốn, chị Hiếu quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. "Tôi thuê một Ki ốt ở chợ An Thái để mở tiệm nhận sửa quần áo và bán một số mặt hàng như nem, chả, kem… Lúc đầu, cửa hàng rất ít khách. Sau một thời gian, nhiều khách hàng tìm đến cửa hàng vì thấy tôi sửa rất cẩn thận, kỹ càng. Bên cạnh đó, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội LHPN xã Nhơn Phúc, tôi đã được vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã An Nhơn.

Với số tiền đó, tôi đã mua máy may công nghiệp và liên hệ nhận hàng từ Công ty may ở TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu, tôi chỉ có vài cái máy với số ít nhân công vừa sửa quần áo cũ, vừa bán hàng. Dần dần, tôi nhận hàng về nhiều hơn, thuê nhiều nhân công hơn", chị Hiếu cho biết.

Hiện nay, xưởng may của chị Hiếu có hơn 20 máy may công nghiệp, 20 công nhân làm tại xưởng. Hàng tháng, may từ 2.000 - 2.500 sản phẩm, thu nhập bình quân đầu người từ 5-6 triệu đồng/tháng. "Trừ chi phí, thu nhập của tôi được hơn 10 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập đó đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày của 2 mẹ con. Gia đình tôi thoát diện hộ nghèo.

Nhờ có nguồn vốn vay và xưởng may, cuộc sống của tôi giờ tốt hơn rất nhiều. Tôi đã mua đất và xây nhà của riêng mình với diện tích 200m2. Tôi mong muốn mở thêm một số chi nhánh nữa để tiếp tục phát triển ngành nghề, củng cố kinh tế gia đình và giúp đỡ chị em khó khăn tại địa phương có việc làm, thu nhập ổn định", chị Hiếu mong muốn.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khoi-nghiep-bang-mo-xuong-may-nguoi-phu-nu-khuyet-tat-tao-viec-lam-cho-20-lao-dong-20240517074558293.htm