Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Ngày 16/5, công ty công nghệ Grab chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và thanh toán kỹ thuật số có trụ sở tại Singapore đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu đạt 653 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tech in Asia, đóng góp vào thành tích này là giá trị hàng hóa dịch vụ theo yêu cầu (On-Demand GMV) tăng 18%, lên 4,2 tỷ USD. Cùng với đó, lượng người dùng giao dịch hàng tháng cũng ghi nhận mức tăng 19% so với năm trước.

Doanh thu mảng giao hàng của Grab tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 350 triệu USD. Doanh thu bộ phận gọi, đặt xe cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 27% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, Grab cho biết, nhu cầu di chuyển trong quý 1/2024 tăng hơn dự kiến nhờ các sự kiện lớn ở Singapore và các thỏa thuận du lịch miễn thị thực cho du khách Trung Quốc tại Thái Lan và Đông Nam Á.

Ông Alex Hungate, Giám đốc vận hành Grab chia sẻ: "Mặc dù lượng khách du lịch vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19, nhưng chúng tôi đã tăng trưởng lượng người dùng du lịch hàng tháng vượt mức trước dịch. Vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cho nhu cầu du lịch, đặc biệt là từ Trung Quốc".

Theo ông Alex Hungate, du khách quốc tế có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với người dùng nội địa, điều này mang lại lợi ích cho Grab. Để nắm bắt nhu cầu đi lại đang phục hồi, Grab đã triển khai các tính năng dịch thuật mới trên ứng dụng từ tháng 2/2024. Dịch vụ này bắt đầu ra mắt ở Thái Lan và hiện đã có mặt ở 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á mà Grab đang hoạt động.

Đồng thời, khoản lỗ hoạt động của Grab trong quý 1/2024 có dấu hiệu tích cực, từ mức 129 triệu USD của quý 1/2023 giảm còn 75 triệu USD, nhờ doanh thu và chi phí vận hành đều được cải thiện. Lỗ ròng của công ty là 115 triệu USD, giảm so với mức lỗ 250 triệu USD của cùng kỳ năm trước đó.

Đặc biệt, EBITDA (thu nhập của công ty trước lãi vay, thuế, khấu hao) điều chỉnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 62 triệu USD, tăng mạnh so với mức âm 67 triệu USD của năm 2022.

Theo Nikkei Asia, kết quả dựa trên EBITDA điều chỉnh là minh chứng quan trọng để Grab thuyết phục các nhà đầu tư về khả năng sinh lời và tăng trưởng bền vững.

Ông Anthony Tan, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Grab cho biết: "Chiến lược tăng trưởng của chúng tôi dựa trên sản phẩm đang mang lại kết quả tích cực với GMV dịch vụ theo yêu cầu tăng lên mức cao mới, bất chấp tác động theo mùa thường thấy trong quý 1. Chúng tôi tiếp tục củng cố vị thế và sẽ tận dụng quy mô cũng như lợi thế công nghệ để phục vụ người dùng và đối tác tốt hơn trong thời gian tới".

Grab nâng mục tiêu EBITDA điều chỉnh cho năm 2024 lên 250-270 triệu USD, từ mức dự kiến 180-200 triệu USD trước đó. Mục tiêu doanh thu cả năm của Grab vẫn giữ nguyên ở mức 2,7-2,75 tỷ USD, tăng 14-17% so với năm 2023.

Grab hiện là siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động ở các lĩnh vực như giao hàng, gọi đặt xe và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, phục vụ hơn 700 thành phố ở 8 quốc gia gồm Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Phillipines và Myanmar.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/grab-tang-truong-tich-cuc-nho-du-lich-post34693.html