Điều gì có thể gây ra vụ tai nạn máy bay của ông Raisi?

Theo Vadim Bazykin, trực thăng của Tổng thống Iran Raisi là Bell-212, một phương tiện đáng tin cậy nhưng quá cũ, rất có thể được trang bị động cơ mới.

Phần còn lại của chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi cháy rụi trên sườn núi.

Phần còn lại của chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi cháy rụi trên sườn núi.

Tổng thống Ebrahim Raisi và Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian của Iran đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng hôm 19 tháng 5.

Trực thăng của Tổng thống Iran đã "hạ cánh khó khăn" sau khi gặp sự cố do sương mù dày đặc gần thành phố Jolfa, cách thủ đô Tehran khoảng 600 km về phía Tây Bắc.

Máy bay trực thăng là phương tiện hoạt động trong mọi thời tiết, Vadim Bazykin, phi công thử nghiệm trực thăng kỳ cựu của Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn RIA.

"Thật không may, điểm yếu nhất của trực thăng là phi hành đoàn vì không có nhiều phi công có thể bay trong thời tiết xấu, đặc biệt là bay trên địa hình đồi núi

Khu vực miền núi có những đặc điểm riêng, trước hết là có sườn dốc nóng lên, có dốc râm mát, có chỗ gập ghềnh nguy hiểm. Phi công có kinh nghiệm từng bay trên núi đều biết rõ điều này", Bazykin nói.

Cũng theo phi công Bazykin, ông từng tham gia vận chuyển các quan chức cấp cao của Nga và luôn chọn những phi công trưởng thành 'biết nói không' với chuyến bay trong điều kiện thời tiết xấu.

Chuyên gia này nói: "Các phi công giống như những diễn viên, họ nghĩ mình rất ngầu, tự nghĩ rằng nếu trước đó hai chiếc trực thăng bay an toàn thì họ cũng có thể làm được điều tương tự".

Ông cũng đề cập đến vụ tai nạn máy bay Smolensk năm 2010, khiến Tổng thống Ba Lan khi đó là Lech Kaczynski và tất cả 96 người trên máy bay thiệt mạng, nguyên nhân được xác định do lỗi của phi công.

Vào thời điểm đó, các phi công đã cố gắng hạ cánh máy bay trong điều kiện sương mù dày đặc không thành công.

"Trước đó, một chiếc máy bay nào đó đã hạ cánh nên phi công nghĩ rằng mình cũng có thể hạ cánh máy bay của ông Kaczynski nhưng không thực hiện được. Đây là tâm lý", Bazykin nói.

Chuyên gia cho biết thêm, khi đi vào khu vực có sương mù dày đặc, các phi công của máy bay trực thăng chở ông Raisi buộc phải tính toán độ cao an toàn. Theo ông, chiếc trực thăng dường như đã bay dưới độ cao cho phép.

"Sương mù thường chỉ dày 300-500 mét tính từ mặt đất. Đáng lẽ các phi công phải kiểm tra tỉ mỉ xem có cơ hội hạ cánh hay không, nếu không thì đáng lẽ phải bay trở lại. Không còn lựa chọn nào khác", chuyên gia nhấn mạnh.

Đề cập đến một khiếm khuyết kỹ thuật có thể xảy ra trên trực thăng Bell-212 chở ông Raisi sản xuất tại Mỹ, chuyên gia Bazykin nhấn mạnh rằng an ninh là ưu tiên hàng đầu khi nói đến phương tiện di chuyển của tổng thống.

Ông nói thêm rằng mặc dù trực thăng của tổng thống là phương tiện "rất đáng tin cậy" nhưng đã lỗi thời nên gần như chắc chắn nó đã được trang bị động cơ mới vì lý do an ninh.

"Vì vậy không cần phải đổ lỗi cho vấn đề kỹ thuật gây ra vụ tai nạn cho trực thăng của ông Raisi", chuyên gia kết luận.

Vụ tai nạn hôm 19 tháng 5 xảy ra khi Raisi đang đi đến thành phố Tabriz ở phía tây bắc Iran sau khi trở về sau buổi lễ khánh thành một con đập trên sông Aras ở khu vực biên giới Iran-Azerbaijan với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Trong đoàn bay có ba chiếc trực thăng và hai chiếc khác chở Bộ trưởng Năng lượng Iran Ali Akbar Mehrabian và Bộ trưởng Nhà ở và Giao thông Mehrdad Bazrpash đã đến đích an toàn.

Clip hiện trường rơi trực thăng chở Tổng thống Raisi.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-gi-co-the-gay-ra-vu-tai-nan-may-bay-cua-ong-raisi-post684123.html