Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều nay - 10/11, sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ.

Cả hệ thống chính trị đều phải thực hiện công tác lưu trữ

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Thanh Trà khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quốc gia, là tài nguyên rất là phong phú, đa dạng về thông tin để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay.

"Phải nói đây là luật được sửa toàn diện, sửa căn bản, đảm bảo chất lượng tốt nhất trong xu thế phát triển hiện nay. Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) liên quan tới nhiều luật khác (ít nhất là 16 luật) nên phải rà soát để làm sao đảm bảo được đồng bộ, thống nhất, liên thông và không bị chồng chéo, không bị xung đột lẫn nhau" - đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cơ quan soạn thảo đã cố gắng để đẩy mạnh những vấn đề phù hợp xu thế hiện nay, đó là thúc đẩy chuyển đổi số đối với hoạt động lưu trữ, làm sao để thúc đẩy xã hội văn hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ... Thực tế, các quốc gia trên thế giới đang rất quan tâm hoạt động lưu trữ này.

"Trước đây trong quan niệm về lưu trữ của chúng ta chủ yếu là để bảo quản là chính. Nhưng bây giờ, sứ mệnh của tài liệu lưu trữ là phải làm sao để phát huy được giá trị tài liệu đó để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, đây là một vấn đề rất mới mà trong thiết kế luật, chúng tôi đã rất chú trọng” - đại biểu Trà nhấn mạnh.

Cụ thể, đại biểu cho biết việc phân cấp thẩm quyền rất là rõ. phần nào là phần phông của Đảng, phần nào là phần phông của Nhà nước và làm sao để tất cả hệ thống chính trị của chúng ta đều phải thực hiện công tác lưu trữ. Đồng thời cho biết, sẽ nghiên cứu thêm những vấn đề mà ý kiến thảo luận đã nêu, để làm sao chúng ta đảm bảo được các điều kiện nguồn lực làm tốt công tác vừa quản lý tài liệu lưu trữ hay còn gọi là bảo quản tài liệu lưu trữ và vừa phát huy được giá trị của tài liệu lưu trữ.

Cùng đó, phải làm sao để thúc đẩy được cái chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác lưu trữ - đây là một nội dung mới và cũng phải có nguồn lực.

Về vấn đề lưu trữ tư, đại biểu cho đây là một cái nội dung rất mới và phải cố gắng thiết kế luật mở hơn, thông thoáng hơn. Nhưng làm sao để Nhà nước khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho lưu trữ tư, coi thúc đẩy xã hội hóa, thúc đẩy xã hội lưu trữ và thúc đẩy quốc gia lưu trữ chính bắt đầu từ vấn đề lưu trữ tư này.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, lưu trữ là phải làm sao để phát huy được giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, lưu trữ là phải làm sao để phát huy được giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Phải có quy định về huyện, xã trong Luật Thủ đô

Thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Huyền - viên chức Tỉnh đoàn Yên Bái thống nhất với sự cần thiết cần phải sửa đổi Luật Thủ đô sau hơn 9 năm triển khai để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời góp phần quan trọng trong thể chế hóa quan điểm cũng như định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội. Từ đó tạo cơ chế đột phá và tạo động lực phát triển, phát huy thế mạnh của Thủ đô, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Góp ý cụ thể vào các điều, khoản của dự án Luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và bỏ khoản 2 tại Điều 13 do nội dung này đã được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 để tránh sự trùng lặp không cần thiết.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu nêu quy định về thực hiện việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý.

Cho biết hiện nay các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội bao gồm rất nhiều cơ quan như công an, quân đội, tòa án, kiểm sát, hải quan…, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần phải xem xét và rà soát lại việc quy định một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn này để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương đảm bảo rõ ràng và cụ thể, chi tiết hơn.

Đối với quy định tại khoản 1, Điều 8 nêu là: quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; đại biểu cho biết, ở trong chương này chỉ quy định về quận, thị xã mà không có quy định đối với huyện, xã. Thực tiễn cho thấy, các cấp chính quyền của địa phương thành phố Hà Nội bao gồm cả huyện, xã đồng thời cũng là cấp chính quyền địa phương của Thủ đô.

Tại Khoản 3, Điều 57 cũng đã quy định là HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp của thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm… Các cấp ở đây của thành phố Hà Nội bao gồm cả cấp huyện và cấp xã. Chính vì vậy, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã cũng cần phải thực hiện theo Luật Thủ đô. Đại biểu đề nghị là cần thiết phải quy định về huyện, xã trong Luật Thủ đô để đảm bảo đầy đủ và phù hợp hơn.

>> Đại biểu Nguyễn Quốc Luận: Đưa giáo dục pháp luật giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa

Đại biểu Triệu Thị Huyền phát biểu tham gia dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Triệu Thị Huyền phát biểu tham gia dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đối với vấn đề về phát triển văn hóa, thể thao có quy định: biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954, danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng nghề có truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, các công trình kết thúc khác xây dựng trước năm 1954.

"Qua nghiên cứu, tôi nghĩ rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu và thay thế cụm từ "công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954” bằng cụm từ "công trình kiến trúc có giá trị”. Bởi vì khái niệm công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 thì hiện nay đang được quy định tại Luật Thủ đô năm 2012. Tuy vậy thì đối với các luật hiện hành như Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc thì đều quy định về việc lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị không xác định theo thời điểm lịch sử” - đại biểu kiến nghị.

Nêu thực tiễn ở Hà Nội để có những công trình mà chúng ta xây dựng trước năm 1954, nhưng đến nay đã bị cải tạo, biến dạng và không còn cái giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa, việc đưa vào danh mục không có ý nghĩa về bảo tồn các cái giá trị văn hóa, lịch sử, thậm chí nó còn làm ảnh hưởng đến quá trình cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm.

Tại khoản 3, điểm b và điểm b, khoản 5 có quy định về xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét và sửa đổi thành "xây dựng các không gian sáng tạo, trung tâm công nghiệp văn hóa" theo quy hoạch.

"Nội dung này đã được Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 12 ngày 7/2/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến đến năm 2045” - đại biểu Huyền nêu lý do.

Làm rõ tác động đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong trường hợp áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Trước đó, trong sáng 10/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong việc thu phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu do Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam có đưa ra các quy định về bảo đảm đầu tư và ổn định chính sách.

Trong trường hợp doanh nghiệp không thống nhất với quy định này thì có thể áp dụng Điều 13 Luật Đầu tư quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.

Do đó, doanh nghiệp chỉ phải nộp phần thuế thu nhập doanh nghiệp đang được ưu đãi tại Việt Nam, phần thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được nộp bổ sung tại nước mẹ. Vì vậy, việc giành quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 là khó khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung phát biểu thảo luận ở tổ sáng 10/11.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung phát biểu thảo luận ở tổ sáng 10/11.

Trong thảo luận, đại biểu Trung đề nghị làm rõ tác động đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong trường hợp áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Vì ngoài yếu tố ổn định chính trị, nguồn lao động dồi dào thì ưu đãi về thuế, tiền thuê đất là những yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, đối với trường hợp doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành thì có áp dụng ưu đãi đầu tư về thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hay áp dụng thuế suất theo quy định của Nghị quyết.

Hoàng Sâm - Quang Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/303747/cac-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-yen-bai-thao-luan-o-to-ve-du-an-luat-luu-tru-sua-doi-du-an-luat-thu-do-sua-doi.aspx