Bán lẻ hiện đại: Bước tiến từ chuyển đổi số

Để tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí đầu vào, tối đa hóa lợi ích, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các phần mềm quản trị điện tử, khai thác không gian mạng trong quảng cáo và bán sản phẩm, từng bước tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế số.

Nhân viên tại siêu thị Winmart, thành phố Lạng Sơn quét mã thanh toán tiền hàng cho khách qua phần mềm điện tử

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ đã triển khai chuyển đổi số với mục tiêu mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và đạt mức doanh thu tối ưu. Có thể nói, đây là bước tiến giúp doanh nghiệp bán lẻ trụ vững và phát triển trong thời đại kinh tế số.

Sự chủ động của các "nhà bán lẻ"

Tại Lạng Sơn, bên cạnh những “ông” lớn trong lĩnh vực bán lẻ đã có chuỗi ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước như: Tập đoàn Masan với hệ thống siêu thị Winmart, cửa hàng tiện lợi Winmart+; Mediamart; Điện máy xanh… hay những thương hiệu thời trang như Tokyo Like, IVY moda, Owen… đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, thì những doanh nghiệp bán lẻ của tỉnh như siêu thị Đồng Tiến, Lasvilla, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú… cũng không đứng ngoài cuộc mà đã và đang từng bước chuyển đổi số để đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh cũng như theo kịp xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế số.

Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú cho biết: Công ty đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác lợi thế không gian mạng trong hoạt động kinh doanh từ năm 2019, từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Khi đó, công ty đã sử dụng những phần mềm kế toán thông minh, phần mềm quản lý kho, quỹ, sản phẩm hàng hóa… Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, chúng tôi đã xây dựng “siêu thị online” với tên là giaohangtainha.vn để phục khách hàng mua sắm thông qua mạng internet một cách tiện dụng, đồng thời từng bước triển khai hoạt động thương mại điện tử để tối ưu hóa kênh quảng bá, tiếp thị và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Nhờ chủ động chuyển đổi số trong kinh doanh, doanh thu bình quân hằng tháng của công ty từ năm 2020 đến nay đạt gần 9 tỷ đồng/tháng, tăng khoảng 20% so với năm 2019 trở về trước (khi chưa thực hiện chuyển đổi số).

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, hiện nay, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã trở nên sâu rộng đến cả các kênh phân phối. Toàn tỉnh hiện có 3 trung tâm thương mại, 9 siêu thị lớn đang hoạt động (5 siêu thị hàng tiêu dùng, 4 siêu thị điện máy), chuỗi 14 cửa hàng tiện lợi Winmart+… và mạng lưới khoảng 20.000 đại lý, cơ sở kinh doanh bán lẻ hiện đại và truyền thống. Theo đánh giá của ngành công thương tỉnh, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đều đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số như: tạo lập danh sách khách hàng điện tử; xuất hóa đơn điện tử; quảng cáo và bán sản phẩm trên không gian mạng; liên kết với đối tác để tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử… Đồng thời, hơn 70% cơ sở kinh doanh bán lẻ cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước chuyển đổi số trong hoạt động, điều này được thể hiện rõ nét nhất là việc đầu tư thiết bị máy tính, sử dụng phần mềm bán hàng, thanh toán không dùng tiền mặt và bán hàng qua mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thanh Hằng, chủ đại lý hàng tiêu dùng tại khối 1, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: Gia đình kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu đã nhiều năm nay, trước đây chủ yếu hoạt động theo kiểu truyền thống, giao dịch trực tiếp với khách từ mua bán sản phẩm, thanh toán tiền đến việc thống kê sổ sách, chứng từ đều làm thủ công trên giấy mất nhiều công sức, lượng mặt hàng thì rất lớn nên hay phát sinh sai lệch. Năm 2022, xuất phát từ xu hướng phát triển của thị trường và qua tìm hiểu hình thức quản lý kinh doanh ở các siêu thị, tôi đã chủ động lắp đặt máy tính, mua phần mềm quản lý bán hàng để nhập dữ liệu, thống kê hàng hóa; lập và xuất hóa đơn bán hàng trên máy; lắp máy POS và đặt mã QR để khách hàng thanh toán… từ đó, việc quản lý kinh doanh trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Vừa qua, tìm hiểu trên mạng và xem truyền hình, tôi mới biết việc đầu tư nâng cấp trong hoạt động kinh doanh của gia đình chính là đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bán lẻ, ngành công thương tỉnh cũng luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng thương nhân đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức khoảng 3 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nội dung chuyển đổi số trong hoạt động kinh tế với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm kế toán, quản trị ngành hàng vào hoạt động; hỗ trợ các doanh nghiệp mở các gian hàng, siêu thị online để nâng cao hiệu quả quả bá sản phẩm cũng như thêm kênh tiếp cận khách hàng trên không gian mạng…

Góp phần phát triển kinh tế số

Có thể thấy rằng, cho tới thời điểm này, các hoạt động chuyển đổi số đã diễn ra khá sôi động và phổ biến, đóng góp cho sự thay đổi của cả người tiêu dùng lẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm bán lẻ hướng tới sự cải tiến, tiện lợi hơn. Ông Lã Đức Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh đã giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bán lẻ tối ưu hóa quy trình bán hàng, thanh toán, giao hàng hay quản lý bán lẻ, cùng với đó quá trình chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuê nhân viên. Đây cũng là một cách tối ưu chi phí cho hoạt động quảng cáo hay quy trình vận hành, sản xuất kinh doanh bởi khai thác được lợi thế nhanh chóng, thuận lợi từ không gian mạng. Từ đó tăng doanh số bán hàng, doanh thu mang lại cho doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi số trong ngành bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng nâng cao tỷ trọng kinh tế số của Lạng Sơn. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết thúc năm 2023, Lạng Sơn có tỷ trọng kinh tế số chiếm 12,52% GRDP của tỉnh, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Lạng Sơn là 1 trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa ICT (ứng dụng công nghệ thông tin) trong các ngành, hoạt động kinh tế khác.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung và các nhà phân phối, bán lẻ nói riêng là vấn đề cấp thiết trong xu hướng phát triển kinh tế số như hiện nay. Do vậy, thời gian tới, sở tiếp tục có những giải pháp, tổ chức các chương trình, hội nghị, hội thảo liên quan đến vấn đề này để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có cái nhìn và nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng, sự cần thiết phải chuyển đổi số hoạt động kinh doanh. Từ đó, đồng hành với doanh nghiệp của tỉnh trong việc bắt kịp với những thay đổi và sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ số 4.0, đặc biệt là sự chuyển đổi từ hình thức bán hàng truyền thống sang hình thức mới, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số hiện đại và tập trung sâu vào trải nghiệm của khách hàng để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh.

Việc phát triển kinh tế số không chỉ tác động đến các doanh nghiệp, tổ chức bán lẻ mà còn làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao tổng giá trị bán lẻ hàng hóa của tỉnh. Kết thúc năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt 35.128,4 tỷ đồng, đạt 130,6% kế hoạch, tăng 27% so với năm 2022; quý I/2024, đạt 9.169,1 tỷ đồng, tăng 18,07% so với cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 8.039,3 tỷ đồng, chiếm 87,68% tổng doanh thu và tăng 20,73% so với cùng kỳ năm 2023.

Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ là sự thay đổi mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo chuỗi sang mô hình kinh doanh tập trung vào khách hàng, dựa trên dữ liệu được thu thập từ chuỗi kỹ thuật số. Hiểu một cách đơn giản thì đây là quá trình chuyển đổi cách thức vận hành, bán hàng, quản lý doanh nghiệp bán lẻ theo hình thức ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Từ đó, thay đổi trải nghiệm của khách hàng so với hình thức bán hàng thông thường. Theo dự báo của ngành công thương, trong năm 2024, chuyển đổi số trong ngành này còn diễn ra mạnh mẽ hơn với các xu hướng nổi bật như: xu hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện trải nghiệm khách hàng (công nghệ thực tế ảo VR); xu hướng bán hàng trực tuyến (xu hướng này bắt đầu với sự ra đời của một loạt các sàn thương mại điện tử và được dự báo còn mở rộng, phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành một thói quen mua sắm không thể thiếu của một bộ phận người dân); xu hướng xây dựng quy trình chuẩn hóa cho toàn bộ doanh nghiệp (một quy trình hoàn chỉnh, phù hợp với đặc điểm doanh nghiệp sẽ giúp hoạt động kinh doanh diễn ra đồng bộ giữa các phòng, ban, khâu vận hành; yêu cầu của khách hàng ngày càng cao khiến các chủ doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến sự đồng bộ trong vận hành, quản trị doanh nghiệp).

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/-5006833.html