25/28 tỉnh, thành phía Bắc có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương

Tại hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc diễn ra ngày 17/5 ở Hà Nội, có 25/28 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2024 mặc dù bối cảnh cho phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự điều hành linh hoạt của bộ, sản xuất công nghiệp của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.

Đáng nói, 25/28 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước; 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…

Song song với công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước của các địa phương trong khu vực cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Có 24/28 địa phương trong vùng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Hải Phòng đạt 16 tỷ USD, chiếm 13,3%, tăng 21%; Thái Nguyên đạt 17,8 tỷ USD, chiếm 14,7%, tăng 34%; Bắc Giang đạt 16,5 tỷ USD, chiếm 13,7%, tăng 22%...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương trong phát triển kinh tế, nhất là thời gian qua Bộ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành và đạt hiệu quả thiết thực. Kể từ sau hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương ngày một tăng cường. Từ đó, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng của ngành.

Sản phẩm tiêu biểu của các địa phương được giới thiệu trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Sản phẩm tiêu biểu của các địa phương được giới thiệu trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Đánh giá về những kết quả đạt được của 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc trong nửa đầu năm 2024 cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại khu vực phía Bắc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như của cả nước. Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao.

Các địa phương trong khu vực cũng đã chủ động tham mưu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực ngành để đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp; triển khai các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh thuộc lĩnh vực ngành đã được phê duyệt, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, 28 tỉnh, thành phố khu vực có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Ngành công thương có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các địa phương còn lớn, sự phối hợp chưa thường xuyên, nhuần nhuyễn để tận dụng thế mạnh của vùng. Để khắc phục những hạn chế này, cần thiết tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực, cùng nhau phát triển trong bối cảnh còn nhiều phức tạp.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc chuỗi WinMart cho biết, với lợi thế hơn 3.600 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WiN, đặc biệt đang tập trung tại khu vực miền Bắc, cụ thể có 2.200 điểm bán tại miền Bắc (khoảng 61%) và 1.004 điểm bán chỉ riêng địa bàn thành phố Hà Nội (khoảng 28%), hiện, chuỗi WinMart đang nỗ lực phát triển với vai trò là cầu nối đưa các sản phẩm, hàng hóa chất lượng tươi ngon, giá luôn tốt đến hàng triệu khách hàng.

"Thời gian tới, chuỗi WinMart cũng sẽ mạnh đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác tiêu thụ nông đặc sản với các tỉnh, địa phương để làm giàu nguồn hàng hóa cho hệ thống bán lẻ, đồng hành cùng với các các doanh nghiệp sản xuất mang tới danh mục hàng hóa phong phú, đa dạng với hơn 20.000 mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, cho đến sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình", ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương. Đồng thời kiến nghị đề xuất các chính sách, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước, kế hoạch và quy hoạch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết vùng; phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp ưu tiên có tiềm năng lợi thế của các địa phương; việc quản lý và phát triển các cụm công nghiệp; kết nối thị trường, cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ...; tăng cường thu hút và xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại; tuyên truyền phổ biến kiến thức, đào tạo hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác lợi thế các hiệp định thương mại tự do đã ký kết...

Các đại biểu cũng bàn thảo phương thức, cơ chế, các giải pháp và định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành công thương giữa các địa phương trong thời gian tới.

Nam Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/25-28-tinh-thanh-phia-bac-co-chi-so-san-xuat-cong-nghiep-tang-truong-duong/333457.html