Vụn Art - những người lao động nghệ thuật tự tin và hạnh phúc

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan tỏa bức thư ngỏ về dự án 'Những bức chân dung từ lụa vụn' đã nhận được sự chung tay chia sẻ mạnh mẽ từ những nghệ sĩ nổi tiếng như divo Tùng Dương, nhạc sĩ Huy Tuấn, nhà sản xuất chương trình Việt Tú... Dự án được đề cập là câu chuyện từ sự nỗ lực vượt lên mọi mặc cảm tự ti, khắc phục những yếu ớt về thể chất và tinh thần, thắp lên những niềm tin và nhân ái.

Đại sứ Mỹ Knapper tham gia ghép tranh dưới sự hướng dẫn của anh Lê Việt Cường tại sự kiện Ngày giao lưu hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: NVCC

Đại sứ Mỹ Knapper tham gia ghép tranh dưới sự hướng dẫn của anh Lê Việt Cường tại sự kiện Ngày giao lưu hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: NVCC

Tạo sinh kế bền vững

Trong lá thư ngỏ của mình, TS Lê Quốc Vinh, Tập đoàn Truyền thông Lê, viết: “Tôi có thể kể cho bạn nghe rất nhiều câu chuyện từ sự nỗ lực vượt lên khỏi mặc cảm tự ti, khắc phục những yếu ớt về thể chất và tinh thần, để trở thành những người lao động nghệ thuật tự tin và hạnh phúc. Tôi có thể kể rất nhiều câu chuyện về những tác phẩm tuyệt vời ghép tỉ mỉ từ từng mảnh vải lụa bé xíu, nhưng tinh tế và đẹp đẽ, là những bức tranh đã hiện diện trong nhiều phòng khách sang trọng, là những tấm áo thun khoác trên mình những người nổi tiếng...”.

Với mong muốn được cộng đồng chung tay mua gạch, mua xi măng, mua gỗ, để dựng một nhà xưởng mới, mua bàn, mua ghế để người khuyết tật có thêm chỗ làm việc, mua thêm trang thiết bị hỗ trợ…, dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” đã ra đời. Để ủng hộ dự án, mọi người có thể gửi chân dung của mình, người thân, bạn bè... đặt hàng Vụn Art. Mỗi đơn hàng không chỉ đem đến cho những người thợ ở đây có thêm cơ hội việc làm, có thêm thu nhập để cải thiện không gian làm việc, mà quan trọng hơn là giúp họ vững tin trong hành trình trở thành những người lao động nghệ thuật tự tin và hạnh phúc.

Hà Nội trong những ngày nắng nóng của tháng 5, chúng tôi đã gặp được anh Lê Việt Cường, người sáng lập mô hình Vụn Art. Anh Cường kể, anh bị bại liệt lúc 9 tháng tuổi, trải qua 10 lần mổ nhưng không hồi phục hoàn toàn, để kiếm một công việc đem lại thu nhập vô cùng khó khăn. Và đó cũng là khó khăn của những nhóm người yếu thế như anh. Mong muốn được làm việc, có thể tự lập bằng chính sức lao động của mình, Hợp tác xã Vụn Art (Hà Nội) đã ra đời năm 2017 nhờ sự gợi ý và đồng hành của họa sĩ Nguyễn Văn Trường.

Tận dụng vải thừa từ làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội), các sản phẩm của Vụn Art được làm tỉ mỉ, kỳ công từ khâu chọn lụa vụn có màu sắc phù hợp với tranh đã được đồ họa, rồi đem đi phơi, là phẳng, vẽ lên vải và cắt theo đường vẽ để tạo ra từng chi tiết cho bức tranh. Qua bàn tay cần mẫn của người khuyết tật, các mảnh lụa vụn Vạn Phúc được cắt, ghép, dán để tạo ra các họa tiết trên các sản phẩm thủ công như: tranh lụa ghép vải, tranh chân dung ghép lụa, ví vải, sổ tay ghép lụa, vỏ gối...

Nhiều năm qua, sản phẩm của Vụn Art luôn được đánh giá cao không chỉ vì sử dụng vụn lụa Hà Đông - chất liệu luôn mềm mại, bền màu giúp lưu giữ vẻ đẹp của lụa bền lâu theo năm tháng, mà còn nhờ tay nghề thủ công khéo léo của những người thợ khuyết tật tại đây.

Nhờ niềm tin, sự kiên trì và nỗ lực muốn thay đổi cách nghĩ của xã hội trong việc trợ giúp người khuyết tật, Vụn Art đã có khoảng 30 thành viên. Với sứ mệnh tạo sinh kế bền vững cho nhóm người khuyết tật, góp phần giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc và những giá trị văn hóa dân gian của Việt Nam, cái tên Vụn Art có ý nghĩa rằng, mỗi người khuyết tật chỉ là mảnh vụn nhỏ bé, nhưng sự giúp đỡ của chính quyền, của cộng đồng như là chất keo kết dính, giúp họ vượt mặc cảm để tạo giá trị riêng. Vụn Art luôn tuân theo định hướng “bản thân là người khuyết tật nhưng không làm ra sản phẩm khuyết tật” để khách hàng mua sản phẩm vì chất lượng chứ không phải mua vì sự thương hại.

Với giá trị cốt lõi Sáng tạo - Nhân văn - Tôn trọng - Truyền cảm hứng, Vụn Art đứng tốp 4 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018, chứng nhận 4 sao năm 2019 của One Commune One Product of VietNam (OCOP), giải nhì cuộc thi khởi nghiệp về giải pháp cho người khuyết tật tại Việt Nam và nhiều chứng nhận, giải thưởng danh giá cho mô hình doanh nghiệp xã hội bền vững.

Truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng

Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể tạo ra giá trị khác biệt nếu tìm được đúng vị trí của mình. Việc làm là cách “phục hồi chức năng” hiệu quả nhất để người khuyết tật khẳng định bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đó là điều mà những thành viên của Vụn Art đã tin tưởng và lan tỏa năng lượng tích cực đến với cộng đồng.

Trong khoảng 2 năm đầu thành lập, anh Lê Việt Cường đi từng nhà có người khuyết tật để vận động họ học nghề và làm việc. Thêm nữa, do hạn chế về sức khỏe, hợp tác xã cũng khó khăn trong khâu tổ chức sản xuất và quản lý nhân sự do người có kỹ năng làm việc tốt tại Vụn Art rất ít. Dần dần, với sự giúp đỡ của nhiều đối tác, nhà tài trợ như Intrepit, Viettel, Bộ KHĐT…, nhiều vướng mắc đã từng bước được tháo gỡ.

Chị Nguyễn Lan Anh (43 tuổi), bị chậm phát triển trí tuệ do chất độc màu da cam, học việc tại Vụn Art đến nay được 5 năm, chia sẻ: “Vụn Art đã tạo môi trường giúp tôi dần hòa nhập cộng đồng. Ở đây, tôi gắng làm việc hết khả năng của mình và thấy vui mỗi ngày”. Bị liệt nửa người do gặp tai nạn xe máy khi học lớp 4, bạn Bùi Thu Dung (22 tuổi), học và làm việc tại Vụn Art được 8 năm, nay đã có thể tự làm sản phẩm và tham gia hướng dẫn du khách trải nghiệm khi đến làng lụa Vạn Phúc. “Sau biến cố, mình nghỉ học, ở nhà. 4-5 lần chú Cường đến nhà vận động, mình phải cố gắng nhiều, vượt qua mặc cảm để quyết tâm học và làm việc”, Dung nói. Sau nhiều năm, Dung và các thành viên đã tự tay làm được nhiều sản phẩm đầy tính thẩm mỹ.

Tới đây, những người chưa có kỹ năng sẽ được dạy nghề miễn phí, hỗ trợ tiền ăn trưa... Từ năm 2019, khi Vụn Art được nhiều người biết đến, các gia đình có con em khuyết tật đã tự đến đăng ký học và làm việc. Cô Nguyễn Thị Khanh (59 tuổi), mẹ của một cô gái khuyết tật đang học nghề tại Vụn Art, chia sẻ: “Tôi đã đăng ký cho con học việc ở đây từ đầu năm 2023 và nhận việc về nhà làm. Tôi nhận thấy con tôi tinh thần lạc quan, vui vẻ hơn khi được làm việc mỗi ngày”.

Ngoài việc sáng tạo sản phẩm thủ công, Vụn Art phối hợp với nhiều đối tác tổ chức các workshop, cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm để du khách trong nước và quốc tế làm sản phẩm dưới sự hướng dẫn của người khuyết tật. Chia sẻ thêm về Những bức chân dung từ lụa vụn đang được Vụn Art thực hiện, anh Cường cho biết, dự án không kêu gọi đóng góp từ thiện mà hướng tới mở rộng mô hình trải nghiệm để tiếp đoàn khách đông, mở quán trà, dạy nghề lễ tân cho các bạn chậm phát triển trí tuệ, tạo việc làm cho nhóm người khiếm thị. “Khi nhân rộng mô hình và mở quán trà, chúng tôi sẽ tạo thêm sinh kế cho người khuyết tật, đóng góp sức mình để phát triển làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc”, người sáng lập Vụn Art cho hay

HÀ NGUYỄN - VĨNH XUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vun-art-nhung-nguoi-lao-dong-nghe-thuat-tu-tin-va-hanh-phuc-post740850.html