Võ Nguyên Giáp - hào khí vang vọng đến muôn đời

'Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm' là tâm huyết của tác giả Trần Thái Bình nhằm cung cấp cho bạn đọc những hình ảnh tư liệu chân thực về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của Đại tướng.

Theo trình tự thời gian biên niên được sắp xếp 100 đề mục cộng với những tư liệu hình ảnh quý giá, bạn đọc có thể theo dấu chân hành trình của Đại tướng và lịch sử của nước Việt Nam hiện đại qua chân dung một con người đã tỏa bóng lên hai thế kỷ.

Tuổi hoa niên, bạn đọc có thể cảm nhận về một con người được sinh ra ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có diện mạo: khuôn mặt vuông vức, vầng trán cao, đôi mắt vừa hồn nhiên, vừa nhân hậu, vừa long lanh sắc sảo. Một con người thấu triệt chữ “nhân” từ tấm bé.

Những năm tháng tuổi trẻ của ông dẫu qua bao thăng trầm song luôn biết mình cần gì, làm gì để đạt mục tiêu, cộng với kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, tinh thần tự nguyện dấn thân hoạt động cách mạng vì dân. Những phẩm chất đó càng về sau trong tiến trình cách mạng của dân tộc càng có điều kiện bộc lộ, tỏa sáng.

Những năm tháng đầu tiên thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Võ Nguyên Giáp không phụ niềm tin yêu, kỳ vọng của Bác Hồ là một tổng chỉ huy văn võ song toàn, đầy tinh thần với đồng đội, đồng bào, lập ra đội quân không phải chỉ của một giai cấp mà của toàn dân tộc, đảm đương nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Những năm đầu tiên xây dựng nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, chúng ta còn biết Võ Nguyên Giáp ở một vai trò khác là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi tiếp xúc, làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế, họ đều ấn tượng về ông là một con người quyết đoán, cực kỳ cứng rắn, đầy mưu trí, thông minh nhưng không kém phần lịch sự và nhã nhặn. Việc làm đầu tiên của Võ Nguyên Giáp khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ là quyết định thi hành ngay chương trình quốc hữu hóa một số dịch vụ công cộng và công nghiệp, đồng thời với việc tự do hóa việc lưu thông mua bán lúa gạo trên toàn quốc. Thời gian thị sát miền Trung, từ sự quan sát và bộ óc mẫn tiệp của mình, ông đã nhận ra âm mưu, thủ đoạn và dã tâm của thực dân Pháp. Đây chính là những tiền đề để sau này ông có những quyết sách đúng đắn trong cuộc đối đầu với Pháp suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Chính từ sự nghiên cứu thực tiễn sát sao đã nảy ra những ý tưởng vừa mới mẻ, thực tế của vị tổng chỉ huy trẻ tuổi trong việc xây dựng lực lượng đó là công thức: “đại đội độc lập - tiểu đoàn tập trung”. Chính công thức này đã làm nên rất nhiều chiến thắng sau đó như Việt Bắc, Thu Đông 1947. Và cũng sau chiến thắng này, Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ phong hàm Đại tướng.

Tầm nhìn và chiến lược của Đại tướng còn thể hiện rõ ở việc sớm hình thành các binh chủng, đơn vị trong quân đội để quân đội Việt Nam phát triển một cách toàn diện, trong đó yếu tố con người là nòng cốt, chú trọng đào tạo con người để thành thạo vũ khí, khí tài. Chính tâm tư của người Tổng tư lệnh Quân đội lo cho tính mệnh của người chiến sĩ đánh bom để diệt xe tăng, không thể để mỗi quả bom ba càng nổ là một chiến sĩ phải hy sinh mà quyết định thành lập công xưởng vũ khí đầu tiên của quân đội ta đã ra đời.

Những năm thực hiện kế hoạch Đông Xuân 1953-1954, chính Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhận định: Nếu đánh một cứ điểm cứng mà địch bố trí thành một căn cứ liên hoàn gọi là tập đoàn cứ điểm thì ta cần có thời gian để nghiên cứu. Đánh tập đoàn cứ điểm không chỉ là tiêu diệt quân chiếm đóng ở từng cứ điểm mà phải giữ được vị trí đó để tiếp tục phát triển vào sâu trong quá trình tiến công. Nhờ tầm nhìn chiến lược này mà ta đã kết thúc chiến dịch thắng lợi, bảo toàn lực lượng để thời gian sau này làm nên trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Chính tư duy mẫn tiệp thấu hiểu đồng cảm với từng giọt máu, từng sự hy sinh của mỗi chiến sĩ, đồng bào đã làm nên phong cách cầm quân của Đại tướng Nhân dân. Khi ông rưng rưng nói: “Đã thấy rõ mọi người lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng mà còn phải giữ được vốn quý cho cuộc chiến đấu lâu dài”.

Khi chúng ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ, Đại tướng đã lặng ngắm ngôi nhà Sở chỉ huy Mường Phăng. Ở đó, đúng hơn là một cái lán đơn sơ, mặt bàn tre đủ rộng trải bản đồ, mặt ghế ghép bằng những cây vầu bổ đôi. Hai chiếc gường nhỏ một của ông, một của vệ sĩ. Tâm thế của một Tổng tư lệnh - vị đại tướng sau ngày chiến thắng đã được ông ghi lại những dòng thật ý nghĩa: “Hạnh phúc lớn nhất đối với người cầm quân, là được ở bên bộ đội, ngay tại mặt trận”.

Thế hệ những con người như tướng Giáp đã làm nên một Điện Biên Phủ - thay đổi cục diện lịch sử của dân tộc và cả thế giới. Thế hệ hôm nay và mai sau cần kế tục tinh thần và khí phách đó làm nên những thắng lợi mới trong thời đại mới để Việt Nam tự tin bước tới đài vinh quang, vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nguyễn Hường (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/vo-nguyen-giap-hao-khi-vang-vong-den-muon-doi-31020.htm