Việt Nam nhập khẩu cà phê Singapore ngày càng tăng

Năm 2023 Việt Nam chi hơn 3,25 triệu USD nhập khẩu cà phê từ Singapore

Thương vụ Việt Nam tại Singapore dẫn số liệu của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore cho biết, năm 2023 Singapore nhập khẩu cà phê từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch khoảng 142,4 triệu SGD.

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, cà phê Việt Nam chỉ chiếm 2,2% thị phần tại Singapore

Các nhóm cà phê chiếm thị phần chính tại Singapore lần lượt là cà phê đã rang và xay, cà phê Arabica chưa rang, cà phê Arabica đã rang chưa xay, cà phê robusta chưa rang…

Việt Nam là đối tác xuất khẩu cà phê thứ 9 tại Singapore.

Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Singapore đạt 3,161 triệu SGD, tăng mạnh 20,79% so với năm trước. Ba tháng đầu năm 2024 tăng hơn 1,75 lần.

Trong cơ cấu nhóm hàng, năm 2023 cà phê đã rang và xay có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với hơn 1,42 triệu SGD, tiếp đến là nhóm cà phê Robusta chưa rang đạt 634.000 SGD.

Nhóm cà phê Arabica chưa rang dù kim ngạch xuất khẩu năm 2023 còn khiêm tốn với 329.000 SGD nhưng tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Ba tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu nhóm cà phê Arabica chưa rang đạt 557.000 SDG tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá tốt nhưng thị phần cà phê Việt Nam tại Singapore còn khiêm tốn so với các đối tác khác trong khu vực, với thị phần khá nhỏ, khoảng 2,22%.

Cà phê Việt Nam giới thiệu đến du khách tại dinh Thống Nhất TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Nhu cầu trong nước đối với một số loại cà phê không phải thế mạnh của Việt Nam ngày càng cao

Ngược lại thì những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu cà phê từ Singapore sang Việt Nam tăng mạnh.

Cụ thể năm 2022, Việt Nam nhập khẩu cà phê từ Singapore gần 1,95 triệu SGD tăng 40,51%.

Năm 2023 tăng 67,21% đạt hơn 3,25 triệu SGD, cao hơn kim ngạch xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Singapore.

Trong cơ cấu nhóm hàng, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là cà phê Arabica chưa rang với giá trị gần 2,29 triệu SGD, chiếm 70,22% kim ngạch nhập khẩu cà phê năm 2023.

Tiếp theo là cà phê Robusta chưa rang với giá trị 394.000 SGD, các mặt hàng còn lại chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, đáng chú ý kim ngạch nhập khẩu cà phê từ Singapore có chiều hướng tăng, thậm chí đã vượt giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Điều này cho thấy doanh nghiệp (DN) cà phê Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến thị trường Singapore.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước đối với một số loại cà phê không phải thế mạnh của Việt Nam như Arabica ngày càng cao khiến Việt Nam phải nhập từ những thị trường khác, trong đó có Singapore.

Quốc gia này, vốn có thế mạnh trong nhập khẩu, chế biến, đóng gói, tái xuất sang nước thứ ba.

Hơn nữa, dù quy mô dân số nhỏ nhưng giá trị nhập khẩu cà phê của Singapore tương đối cao từ 140-150 triệu SGD/năm, tương đương quy mô xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Thái Lan hoặc Indonesia.

Trong khi cà phê của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Singapore mới chiếm khoảng 2,2% thị phần. Tiềm năng thị trường Singapore còn khá lớn.

Ngoài nhu cầu tiêu dùng nội địa, Singapore còn là trung tâm thương mại trung chuyển hàng đầu khu vực, nếu DN khai thác tốt sẽ giúp cà phê Việt Nam xuất khẩu sang các nước thứ ba.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang thị trường Singapore nói riêng và thế giới nói chung, cần sự hỗ trợ của các bộ ngành, sự chung tay của hiệp hội, các DN.

Trong đó, DN cà phê Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, trực tiếp tham gia hội chợ triển lãm quốc tế tại Singapore để tiếp cận địa bàn tốt nhất.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore đang tích cực kết nối DN cà phê Việt Nam để đưa những thông tin mặt hàng mà các nhà nhập khẩu Singapore đang tìm kiếm.…

Tháng 6 tới, dự kiến có Gian hàng Việt Nam một số hội chợ triển lãm tại Singapore, DN Việt có nhu cầu tham gia liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Singapore để được hỗ trợ ưu đãi giá thuê gian hàng.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-nhap-khau-ca-phe-singapore-ngay-cang-tang-post788676.html