Vì sao 'tắt đi, bật lại' là cách 'chữa' đồ công nghệ nhanh nhất?

Nhiều trường hợp điện thoại, máy tính gặp lỗi, chúng ta chỉ cần tắt đi và bật lại thiết bị là giải quyết được vấn đề. Vì sao lại như vậy?

Khởi động lại là giải pháp khắc phục được rất nhiều vấn đề. Đó là lý do tại sao những người có chuyên môn hầu như luôn khuyên bạn nên thực hiện việc đó trước tiên khi thiết bị gặp sự cố. Trên thực tế, việc tắt và bật thiết bị sẽ giúp giải quyết không ít sự cố và lỗi phần mềm.

Điều này vẫn đúng trong nhiều thập kỷ qua. Máy tính đã tiến bộ nhưng phần lớn chúng vẫn có cách thức hoạt động như ngày đầu. Ngày nay, biến thể của máy tính có trong rất nhiều sản phẩm công nghệ phi truyền thống như ô tô và tủ lạnh, nên thao tác tắt đi-bật lại còn hữu ích và phổ biến hơn.

Không giống như tính năng khôi phục cài đặt gốc, việc tắt - bật lại thiết bị là một tùy chọn ít rủi ro hơn. Dữ liệu của bạn vẫn được giữ nguyên thay vì đưa thiết bị về cài đặt ban đầu. Tùy chọn này cũng không nguy hiểm như các kỹ thuật sửa lỗi nhưng phải tháo máy hoặc gắn thêm các linh kiện bên ngoài.

Kenny Chan, giám đốc công nghệ cấp cao tại Archetype, cho biết ông nhận được khoảng 2 đến 4 báo cáo mỗi tuần về các vấn đề có thể giải quyết được bằng cách khởi động lại.

"Một số người đến gặp và nói họ đã khởi động lại nhưng máy vẫn không chạy nhưng đến khi tôi làm điều đó thì mọi thứ lại hoạt động bình thường", Chan nói.

Không chỉ máy tính, điện thoại thông minh sẽ khắc phục lỗi và hoạt động ổn định hơn sau khi khởi động lại. Đôi khi, máy bay, tàu hỏa và ô tô cũng cần phải tắt đi bật lại mới giúp chúng vận hành đúng.

Người phát ngôn của Amtrak cho biết các tổ bay thường khởi động lại hệ thống giải trí và Wi-Fi trên chuyến bay, trong khi một đoàn tàu có thể cần phải khởi động lại nếu gặp sự cố công nghệ do thời tiết khắc nghiệt, mất liên lạc hoặc mất điện trên đường ray.

Theo các chuyên gia, một vấn đề phổ biến mà bạn cần phải khởi động lại là lỗi rò rỉ bộ nhớ. Trường hợp này xảy ra khi các ứng dụng gặp lỗi mã hóa khiến hệ thống bị quá tải. Các vụ rò rỉ có thể dẫn đến hiệu năng chậm, sập nguồn và đứng máy. Các vấn đề tương tự có thể phát sinh khi bạn bật thiết bị quá lâu mà không đóng các ứng dụng bên trong.

Tạm thời tắt thiết bị sẽ tạm dừng các ứng dụng đó, ngăn chặn rò rỉ. Aaron Grady, giám đốc dự án đối tác với Windows, cho biết việc tắt nguồn sẽ giúp xóa bớt RAM - bộ nhớ lưu trữ ngắn hạn cho hệ điều hành - của thiết bị.

Khi người dùng bật lại thiết bị, các ứng dụng sẽ mở ra một cách bình thường, không có lỗi hay trục trặc, giật lag như trước đó. “Quá trình này giống như việc bạn chợp mắt một lát khi cảm thấy quá tải. Khi thức dậy, bạn cảm thấy sảng khoái và có thể xử lý vấn đề hiệu quả hơn”, chuyên gia cho biết.

Mẹo này áp dụng cho bất kỳ sản phẩm nào có phần mềm chạy bên trong, bao gồm cả ôtô. Chúng có máy tính được tích hợp để điều khiển các hệ thống khác nhau như kết nối Bluetooth và điều hướng GPS.

Chuyên gia Aaron Grady cho biết, việc khởi động lại thậm chí có thể có tác dụng đối với một số vấn đề liên quan đến phần cứng, chẳng hạn như lỗi kết nối do cổng bị trục trặc hoặc màn hình hiển thị không phản hồi.

Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng có thể được giải quyết bằng cách khởi động lại. Ví dụ như nếu nguyên nhân đến từ các tệp tin lưu trong ổ cứng bị lỗi, bạn cần xóa chúng theo cách thủ công. Đó là lý do tại sao trong một số trường hợp, bạn có thể phải xóa bộ nhớ đệm của máy tính chứa các tệp đó.

Tuy nhiên, lời khuyên vẫn là nếu lần tới bạn gặp sự cố nào liên quan đến công nghệ, hãy tìm đến giải pháp đầu tiên - thử tắt đi rồi bật lại.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-tat-di-bat-lai-la-cach-chua-do-cong-nghe-nhanh-nhat-a662802.html