Vì sao con người có nhu cầu được tôn trọng?

Sự thỏa mãn nhu cầu tự trọng dẫn đến cảm giác tự tin, xứng đáng, sức mạnh, cảm thấy mình hữu ích và cần thiết trong thế giới.

Trong xã hội chúng ta, việc cản trở những nhu cầu này là nguyên nhân cốt lõi thường thấy trong các trường hợp không có khả năng tự điều chỉnh và các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Yêu thương và cảm tình cũng như những biểu hiện của chúng trong tình dục, thường được nhìn nhận với thái độ mâu thuẫn và thường bị ngăn cản bằng nhiều hạn chế và cấm đoán.

Trên thực tế, tất cả nhà lý thuyết về tâm bệnh học đều nhấn mạnh rằng việc cản trở nhu cầu yêu thương là nguyên nhân cơ bản của việc mất khả năng tự điều chỉnh. Do đó, nhiều nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện về nhu cầu này, và chúng ta biết về nó có lẽ nhiều hơn bất kỳ nhu cầu nào khác ngoại trừ nhu cầu sinh lý. Suttie đã viết một bài phân tích xuất sắc về “cấm kỵ đối với dịu dàng”.

Ở đây, cần phải nhấn mạnh một điều là tình yêu không đồng nghĩa với tình dục. Tình dục có thể được nghiên cứu như một nhu cầu sinh lý thuần túy. Hành vi tình dục thông thường có tính đa tác nhân, nghĩa là được quyết định không chỉ bởi nhu cầu tình dục mà còn bởi các nhu cầu khác, chính yếu trong số đó là nhu cầu yêu thương và tình cảm. Cũng không thể bỏ qua một thực tế là nhu cầu yêu thương bao gồm cả việc cho và nhận tình yêu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Moose Photos/Pexels.

Các nhu cầu về tôn trọng

Mọi người trong xã hội ta (trừ vài ngoại lệ bệnh lý) đều có nhu cầu hoặc mong muốn có đánh giá ổn định, có cơ sở vững chắc và thường phải cao, về bản thân. Họ có nhu cầu về lòng tự trọng hay tự tôn và sự tôn trọng từ người khác. Như vậy, những nhu cầu này có thể được phân loại thành hai tập con.

Thứ nhất là khát vọng về sức mạnh, thành tích, sự đúng đắn, giỏi giang và năng lực, sự tự tin trước thế giới, sự độc lập và tự do. Thứ hai, chúng ta có cái mà ta có thể gọi là ham muốn về danh tiếng hay uy tín (là sự tôn trọng hoặc quý trọng từ người khác), địa vị, tiếng tăm và vinh quang, sự thống trị, sự công nhận, sự chú ý, tầm quan trọng, phẩm giá hoặc sự đánh giá cao.

Những nhu cầu này đã được Alfred Adler và những người ủng hộ ông khá nhấn mạnh nhưng lại bị Freud gần như bỏ qua. Tuy nhiên ngày nay, trong số các nhà phân tâm học cũng như các nhà tâm lý học lâm sàng ngày càng có nhiều người đánh giá cao tầm quan trọng có tính trung tâm của chúng.

Sự thỏa mãn nhu cầu tự trọng dẫn đến cảm giác tự tin, xứng đáng, sức mạnh, khả năng và sự đúng đắn, cảm thấy mình hữu ích và cần thiết trong thế giới. Cản trở những nhu cầu này sẽ tạo ra cảm giác tự ti, yếu đuối và bất lực. Những cảm giác này, đến lượt mình, sẽ làm nảy sinh hoặc sự chán nản cơ bản hoặc những xu hướng bù đắp hay loạn thần kinh.

Có thể dễ dàng nhận thức được sự cần thiết của sự tự tin cơ bản và hiểu được con người bất lực như thế nào khi không có nó từ một nghiên cứu về chứng rối loạn thần kinh do sang chấn nghiêm trọng.

Từ cuộc thảo luận của các nhà thần học về niềm kiêu hãnh vàsự ngạo mạn, từ các lý thuyết của Fromm về tự giác cảm thấy sự không trung thực với bản chất của chính mình, từ tác phẩm của Rogers về cái Tôi, từ các tác gia như Ayn Rand và từ các nguồn khác nữa, chúng ta ngày càng biết thêm về mối nguy hiểm của việc đặt lòng tự trọng dựa trên ý kiến của người khác thay vì dựa trên khả năng thật, năng lực và sự phù hợp với nhiệm vụ.

Lòng tự trọng ổn định nhất và do đó lành mạnh nhất là dựa trên sự tôn trọng từ người khác mà ta xứng đáng có, chứ không phải dựa trên danh tiếng bên ngoài, danh vọng hay sự nịnh nọt không chính đáng.

Ngay cả ở đây, cũng rất hữu ích nếu phân biệt được năng lực và thành tích thực tế dựa trên sức mạnh ý chí, sự quyết tâm và trách nhiệm với năng lực và thành tích có được một cách tự nhiên và dễ dàng từ bản chất thực sự bên trong một người, thể chất của một người, số phận hay vận mệnh sinh học của một người. Hay như Horney nói, xuất phát từ Con người Thật của một người chứ không phải từ con người giả được lý tưởng hóa.

Abraham H. Maslow/Bách Việt - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-con-nguoi-co-nhu-cau-duoc-ton-trong-post1474753.html