Ứng phó với thời tiết cực đoan

Thời tiết cực đoan xuất hiện đã gây nhiều thiệt hại cho miền Bắc và miền Trung.

Một ngôi nhà của người dân tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị hư hại nặng do mưa đá gây ra. Ảnh: Thái Nhung.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, nắng nóng xuất hiện ở toàn vùng Bắc bộ và Trung bộ. Các tỉnh Tây Bắc; từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ phổ biến 39-42 độ C, Trung bộ có nơi trên 43 độ C, có nơi ghi nhận nhiệt độ cao nhất 44 độ C. Bên cạnh đó, các đợt giông, lốc, sét, mưa đá đã gây nhiều thiệt hại về người và của. Đợt giông lốc kèm mưa đá xảy ra rạng sáng 5/5 tại Cao Bằng đã khiến 1 người bị thương và gần 600 ngôi nhà bị hư hại. Trước đó, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã liên tiếp xảy ra 4 đợt thiên tai (lốc, sét, mưa đá…) làm hơn 8.200 nhà ở bị hư hại; gần 1.500ha cây ngô, thạch đen, rau màu bị gãy đổ; 34 điểm trường, 4 trạm y tế bị tốc mái... Ước tính tổng thiệt hại hơn 22,5 tỷ đồng. Còn tại địa bàn tỉnh Lào Cai, một số nơi xảy ra mưa kèm theo giông lốc gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, ước tính trên 10 tỷ đồng. Đặc biệt, trong gần một tháng qua, tại các huyện miền núi Nghệ An xảy ra một số đợt mưa đá và lốc xoáy làm hàng trăm nhà dân bị hư hỏng.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt ở nước ta cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, quá trình đối lưu sẽ càng mạnh mẽ khiến giông, lốc diễn ra với cường độ mạnh hơn; các thiên tai đi kèm như gió giật, gió mạnh, sét cũng xảy ra nhiều hơn. Trong thời gian tới, hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên còn có thể xảy ra ở miền Bắc, miền Trung và cả miền Nam, nhất là thời điểm tháng 5, nửa đầu tháng 6/2024. Đáng chú ý là trong năm 2024, hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá sẽ xảy ra nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Theo ông Hưởng, hiện tượng giông, lốc, mưa đá khó có thể dự báo xa, nhưng có thể cảnh báo sớm từ 30 phút đến 1 giờ qua các thiết bị theo dõi với độ phản hồi lớn. Do vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động quan sát các dấu hiệu có thể xảy ra giông lốc, mưa đá để phòng tránh như: mây đen bao phủ kín bầu trời, giông gió mạnh dần, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thiên tai cũng đưa ra dự báo, giai đoạn đầu và giữa mùa hè, tháng 4, 5 và 6/2024 sẽ có nhiệt độ nóng hơn so với trung bình chung của nhiều năm. Đặc biệt, tháng 6 có hiện tượng mưa nhiều ở miền Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực TPHCM và Lâm Đồng. Khi xảy ra mưa đầu mùa sẽ có các cơn mưa rào cục bộ, cực đoan trong phạm vi hẹp có thể tạo ra các nguy cơ ngập lụt, nhất là khu vực Hà Nội, Vĩnh Yên, Thái Nguyên và Đà Lạt.

Giai đoạn cao điểm của La Nina là từ tháng 10 đến tháng 12, sẽ có lượng mưa trung bình chung cao hơn so với các năm trước. Nhìn vào các kịch bản dự báo xu hướng thì thấy lượng mưa cao hơn so với trung bình rất nhiều và không loại trừ khả năng sẽ có lụt lớn và mưa sau hoàn lưu bão. Năm nay sẽ có hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào khu vực biển Đông và đất liền của Việt Nam. Do đó, ngoài việc ứng phó với giông, lốc, sét, mưa đá, nắng nóng... chúng ta cần phải chuẩn bị mọi phương án để ứng phó với bão lũ như: Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền cách chống chịu bão lũ cho người dân, gia cố nhà cửa, đê điều, vận động thay đổi tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc và miền núi...

“Mỗi người dân, mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Biến những thích ứng tự phát của người Việt thành thích ứng có chiến lược dài hạn” – ông Huy nói.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-pho-voi-thoi-tiet-cuc-doan-10279551.html