UBND TP HCM báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về dự án đường Vành đai 3

Liên quan đến phương án đầu tư, nâng cấp đường Vành đai 3 đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP HCM vừa có báo cáo, nêu ý kiến của địa phương.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP HCM nhận thấy việc đầu tư, nâng cấp đường Vành đai 3 TP HCM đạt quy mô hoàn chỉnh không thuộc nhóm dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dự án thuộc nhóm ưu tiên đầu tư sau cùng (nhóm 4).

Thi công xây dựng dự án đường Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM

Thi công xây dựng dự án đường Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM

Bên cạnh đó, hiện nay, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đã được phê duyệt, khởi công; tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là nguồn vật liệu cát đắp nền đường và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; rà soát các bất cập (nếu có) để điều chỉnh thiết kế, tránh ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án giai đoạn hoàn thiện và việc điều chỉnh (nếu có) nên cân đối trong tổng mức đầu tư dự án thành phần đã được phê duyệt.

Theo Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, quy mô đầu tư đầu tư 4 làn cao tốc hạn chế (vận tốc 80km/h), bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m; chiều rộng mỗi làn là 3,75m; bố trí dải phân cách giữa, dải an toàn ở 2 bên dải phân cách giữa và 2 bên lề đường rộng 0,75m.

Bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục, so le. Tại mỗi đoạn dừng xe khẩn cấp đều bố trí mở dải phân cách giữa 30 m bằng dải phân cách di động để cứu hộ khi cần thiết.

Ngoài ra, đường Vành đai 3 TP HCM là cao tốc đô thị, ngoài các đoạn dừng xe khẩn cấp (trung bình khoảng 5km/vị trí), trên tuyến bố trí các nút giao, chỗ ra, vào cao tốc với khoảng cách từ 5 km đến 10 km để điều tiết giao thông khi xảy ra sự cố (nếu có).

So sánh quy mô phân kỳ của các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 thì đường Vành đai 3 TP HCM có quy mô mặt cắt ngang giai đoạn phân kỳ có bề rộng lớn hơn, có mật độ bố trí các nút giao, chỗ ra, vào cao tốc dày hơn so với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai.

Mặt khác, trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, UBND TP HCM nhận thấy các phương án đề xuất đầu tư, nâng cấp đường Vành đai 3 TP HCM chưa có sự đồng nhất về quan điểm đầu tư, nâng cấp đạt quy mô hoàn chỉnh.

Theo UBND TP HCM, trong trường hợp đầu tư nâng cấp đường Vành đai 3 TP HCM đạt quy mô hoàn chỉnh cần phải xem xét các điều kiện pháp lý để đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định về điều chỉnh dự án thành phần; thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (thuộc thẩm quyền của Quốc hội) trường hợp tổng mức đầu tư sau điều chỉnh vượt sơ bộ tổng mức đầu tư; cân đối nguồn vốn; quy mô đường cao tốc trên tổng thể đường Vành đai 3 TP HCM theo quy hoạch…

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ubnd-tp-hcm-bao-cao-bo-giao-thong-van-tai-ve-du-an-duong-vanh-dai-3-196240522162746889.htm