Từ vũ điệu chia xa…

Mark Twain từng phát biểu 'Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào'.

Ảnh minh họa ITN.

Bình về cái chết của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, có người cũng cho rằng, Chí Phèo chết cũng là đang được hồi sinh. Chúng ta luôn hướng về sự sống nhưng cũng cần bình tâm trước cái chết.

***

Tuần trước, cạnh nhà tôi, một người già đã nhẹ nhàng ra đi về miền xa thẳm. Sự ra đi của cụ như là tất yếu của quy luật “sinh lão bệnh tử”. Kể ra trước khi mất, trong làng, cụ là người cao tuổi nhất. Hôm đưa tang, tôi thấy con cháu cụ tập trung đông đủ, họ gào khóc nghe thật não lòng, nhất là lúc khâm niệm, nhập quan, phát tang, hạ huyệt... Có người vừa khóc vừa kể lể đủ mọi chuyện. Có người thì khóc than lăn lóc, quằn quại. Cũng có người lặng im lau nước mắt. Cứ như thế, xen với kèn trống là tiếng gào khóc vang động cả một góc làng.

Trong đám tang ấy, tôi quan sát chỉ thấy mỗi người con trai cả từ khi khâm niệm đến lúc hạ huyệt ông chỉ bật khóc lúc chủ trì làm lễ nhập. Còn thì trong suốt quá trình tang lễ, khuôn mặt ông trầm ngâm, lặng lẽ. Khoảnh khắc hạ huyệt, mọi người đều nhận thấy vẻ mặt của ông như thoáng hiện một ánh cười để tiễn biệt mẹ lần cuối.

Mọi việc xong xuôi, người nhà và chòm xóm cũng rút về nhanh chóng. Khu mộ phần của cụ nghi ngút hương nhưng cảm giác vẫn trơ trọi giữa khu nghĩa địa với những cái lăng xây bề thế và trang trí cầu kì.

***

Còn đây là câu chuyện về một đám tang tại Biarritz (miền Nam nước Pháp). Ở đó không có tiếng khóc mà là điệu nhảy da diết và đầy tình yêu của một người đàn ông trước linh cữu của một người phụ nữ, với tấm ảnh của bà như đang trìu mến nhìn tất cả. Người đàn ông ấy là Stephane, chồng của Agnès Lassalle. Agnès, 53 tuổi, là cô giáo dạy tiếng Tây Ban Nha. Lúc ấy, đám tang đã xong, quan tài của Agnès được đưa ra ngoài nhà thờ và chỉ chờ đưa lên xe tang để ra nghĩa trang. Thế rồi, bài hát “Love” của Nat King Cole, nhưng bằng tiếng Pháp vang lên, và Stephane bắt đầu nhảy. Sau đó, nhiều người khác cũng nhảy cùng. Nhưng Stephane chỉ nhảy một mình, vì người đã luôn nhảy với ông, Agnès, đã mất.

Stephane và Agnès quen nhau trong một sàn nhảy và rồi họ yêu nhau, sống với nhau. “Love” chính là bài hát yêu thích của họ. Những cặp đôi khác là bạn bè của họ cũng tham gia điệu nhảy, như thể đây không phải là một đám tang mà là một cuộc chia tay vui vẻ và đáng yêu. Tất cả đã nhảy như chưa từng được nhảy, trong một hành động ngợi ca tình yêu…

Trong câu chuyện trên, hình ảnh Stephane - chồng của Agnès Lassalle nhảy trước quan tài của cô có lẽ là hình ảnh hiếm thấy ở một đám tang. Hình ảnh ấy gợi lên điều gì? Đó là tình yêu vượt khỏi giới hạn thời gian, không gian. Đó là tình yêu thủy chung vượt qua cả ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tôi nghĩ, không ai là không buồn đau khi phải chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu. Stephane - chồng của Agnès Lassalle cũng vậy, nhưng chỉ là sự khác nhau ở cách biểu hiện nỗi đau. Có người gào khóc. Có người lặng im. Có ít người làm được như Stephane, quên đi thực tại buồn thương bằng việc tưởng tượng người vợ yêu thương vẫn còn đang da diết trong điệu nhảy cùng mình. Đó là sự bình tâm gửi gắm thương yêu. Đó là tình yêu mãnh liệt đã biến những giọt nước mắt đau thương thành giai điệu của sự đoàn viên hạnh phúc.

Ảnh minh họa ITN.

Trước cái chết của Agnès, chúng ta nhìn thấy được tình yêu nồng thắm đang hiện hữu trong những phút giây của cuộc sống hiện tại…

Trước hai cái chết, những người thân của họ - những người còn sống lại có hai cách ứng xử thật khác nhau. Trước cái chết của cụ già, người thân của cụ thể hiện niềm tiếc thương vô hạn thông qua những giọt nước mắt hay đúng hơn là qua âm lượng của tiếng khóc. Dường như có cảm giác, con cháu nào khóc to hơn, khóc thảm thiết hơn mới là người hiếu kính nhất. Còn trước sự ra đi của người vợ mà Stephane vô cùng yêu thương thì anh lại chọn một điệu nhảy để tiễn đưa. Rõ ràng, tâm thế tiễn đưa của họ là hoàn toàn khác biệt: Một bên bấn loạn, còn một bên bình tâm thanh thản.

Ai rồi cũng phải đón nhận cái chết. Có cái chết bất ngờ. Có cái chết đã báo trước. Có cái chết trẻ. Có cái chết già. Có cái chết trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Có cái chết hợp quy luật tự nhiên. Nhưng dù là cái chết nào, chúng ta – những người thân đang sống phải mạnh mẽ vượt qua đau thương để tiếp tục sống tốt, sống ý nghĩa. Bởi vậy, chúng ta hãy biểu hiện niềm thương tiếc một cách thanh thản nhất. Tiếc thương không có nghĩa là gào khóc suy sụp. Tiếc thương là bình tâm sống tiếp để khộng phụ lòng người đã mất.

Albert Einstein hài hước cho rằng: “Sợ chết là nỗi sợ hãi phi lý nhất, vì người đã chết chẳng có nguy cơ bị tai nạn”.

Nghĩ đến cái chết không phải là mình sống bi quan, sầu muộn. Nghĩ đến cái chết là để sống tốt hơn, sống nhiệt huyết hơn trong cuộc đời. Bởi đơn giản, nếu không nghĩ đến cái chết lúc còn khỏe mạnh thì có thể chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến được điều ấy nữa, mọi suy nghĩ sẽ lặng im vĩnh viễn…

Nguyễn Đình Ánh (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2 – Nghi Mỹ - Nghi Lộc – Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-vu-dieu-chia-xa-post682804.html