Trang bị kỹ năng hồi sinh tim phổi cho cộng đồng

Ngày 21/5, tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), Viện Ứng dụng Công nghệ Y tế (IMT) ký kết hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương trong khuôn khổ dự án H.E.R.O – vì 1 triệu người Việt Nam được tập huấn hồi sinh tim phổi.

Bác sĩ Hoàng Văn Cường, Viện Ứng dụng Công nghệ Y tế hướng dẫn các bước cơ bản trong kỹ thuật ép tim. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Bác sĩ Hoàng Văn Cường, Viện Ứng dụng Công nghệ Y tế hướng dẫn các bước cơ bản trong kỹ thuật ép tim. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Dự án nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người dân để có thể ứng phó hiệu quả trước các tình huống sức khỏe khẩn cấp thông qua kỹ năng sơ cứu và thiết bị hỗ trợ tập huấn hồi sinh tim phổi.

Việc triển khai dự án không chỉ giúp trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người dân mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cứu trong các tình huống sức khỏe khẩn cấp. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ngừng tim ngoại viện, mở ra cơ hội cho nhiều người dân được tiếp cận, học hỏi những kỹ năng cứu người quan trọng này.

Tại buổi ký kết, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến kỹ năng sơ cứu ngừng tim.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Công, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Y tế cho biết, trong khuôn khổ dự án hợp tác, Viện trao tặng Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương 2 mô hình tập huấn CPR (hồi sức tim phổi) đạt chuẩn quốc tế; 1 máy AED Trainer 302 (máy khử rung tim tự động dùng trong tập huấn) cùng 1.000 tài khoản học sơ cứu trực tuyến các kỹ năng cấp thiết trong đời sống tới khách hàng của hệ thống Y tế Hùng Vương nhằm phục vụ công tác lan tỏa kỹ năng sơ cứu ngừng tim đến cộng đồng.

Ông Phạm Văn Học, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chia sẻ, hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản trong cộng đồng nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận và thực hiện được kỹ năng này, qua đó có thể sơ cấp cứu các trường hợp bị bệnh, tai nạn… một cách kịp thời, hiệu quả. Nếu việc sơ cứu ban đầu không đúng cách, có thể gây ra mối nguy hiểm không đáng có; vì vậy khi tham gia sơ, cấp cứu trong mọi tình huống, mỗi người cần chú ý đến việc sơ cứu đúng cách, đảm bảo an toàn…

Theo nghiên cứu tại 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội trên 297 trường hợp ngừng tim ngoại viện, tỷ lệ nạn nhân tử vong lên đến 96,2%. Trong đó, 85,2% trường hợp xảy ra được người thân chứng kiến nhưng chỉ có 8,7% nạn nhân được hồi sinh tim phổi và không có nạn nhân nào được sử dụng máy AED (máy khử rung tim tự động). Vì vậy, để góp phần nâng cao tỷ lệ sống trước các tình huống sức khỏe khẩn cấp, Viện Ứng dụng Công nghệ Y tế và Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương phối hợp triển khai thực hiện dự án, mở ra cơ hội cho nhiều người dân được tiếp cận kỹ năng cần thiết trước các tình huống sức khỏe khẩn cấp. Dự án gồm các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, phối hợp nâng cao chất lượng tập huấn sơ, cấp cứu và hồi sinh tim phổi cho cộng đồng cũng như gia tăng cơ hội tiếp cận với các kiến thức sơ cứu chính xác, trực quan nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ngừng tim ngoại viện trong cộng đồng.

Toàn Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/trang-biky-nang-hoi-sinh-tim-phoi-cho-cong-dong-20240521181746096.htm