Trái cây 'sáng cửa' xuất khẩu

Tỉnh chú trọng đầu tư quy vùng sản xuất tập trung nhằm xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu ổn định để giữ chân doanh nghiệp.

Thanh long của Hải Dương đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Australia

Thanh long của Hải Dương đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Australia

Bên cạnh vải, nhãn, nhiều loại trái cây khác của Hải Dương cũng lọt vào "mắt xanh" của doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là cơ hội để nông sản Hải Dương nâng cao giá trị sản xuất và gia tăng vị thế trong phát triển thương hiệu.

Khả quan

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ thanh long không mấy thuận lợi nhưng người dân xã Bạch Đằng (Kinh Môn) vẫn lạc quan về loại quả này khi đã có doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua, xuất khẩu. Đáng mừng hơn, kết quả kiểm định hơn 800 hoạt chất bảo vệ thực vật trên quả thanh long, điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đều ở ngưỡng cho phép. Dù vậy, người dân không chủ quan mà vẫn áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn với mong muốn làm ra sản phẩm có mẫu mã, chất lượng tốt nhất.

Theo ông Phạm Quang Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, thanh long vốn là cây làm giàu tại địa phương song việc tiêu thụ còn bấp bênh, khi được, lúc mất. Khi nghe thông tin doanh nghiệp ngỏ ý phối hợp sản xuất để xuất khẩu sang thị trường khó tính, ai nấy đều phấn khởi. Là cây trồng thế mạnh nên bà con rất chăm chút. Thanh long Bạch Đằng đã có bảo hộ nhãn hiệu tập thể, gần đây nhất là cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Đây là tín hiệu vui không chỉ giúp thanh long khẳng định vị thế trong nước mà còn tìm được chỗ đứng ở nước ngoài. Nếu xuất khẩu thành công, hiệu quả kinh tế của loại cây này cũng sẽ được nâng lên.

Vốn nổi tiếng với sản phẩm rươi, cáy tự nhiên và gạo hữu cơ từ vùng đất bãi sông Thái Bình, giờ đây huyện Tứ Kỳ tiếp tục tận dụng ưu đãi tự nhiên để xây dựng vùng trồng chuối xuất khẩu. Ngày trước, cây chuối được trồng chỉ với mục đích tận dụng bờ vùng, bờ thửa trống của bãi rươi, song với hướng canh tác hữu cơ, bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu thì doanh nghiệp đã tìm tới xây vùng nguyên liệu. Do nhiều nguyên nhân, các đơn hàng chuối xuất khẩu vẫn còn nhỏ giọt nhưng đây là nền tảng để người dân có định hướng phát triển loại trái cây này.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh (Tứ Kỳ) cho biết địa phương được xác định là hạt nhân trong thực hiện Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái của huyện. Do đó, xã rất quan tâm sản xuất sạch để đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu. Cây chuối gắn bó với người dân trong xã bao năm nay đã được nâng tầm, vì vậy người dân rất trân trọng cơ hội này, chuyên tâm chăm sóc.

Ngoài thanh long, chuối thì ổi Hải Dương cũng đang đứng trước lợi thế lớn khi nhận được phản hồi tốt từ đối tác nước ngoài. Việc cần làm ngay là chuẩn bị "giấy thông hành" để đưa quả ổi xuất ngoại thuận lợi, hiệu quả.

Ổi Thanh Hà đã được chào hàng ở các nước Trung Đông (ảnh tư liệu)

Ổi Thanh Hà đã được chào hàng ở các nước Trung Đông (ảnh tư liệu)

Vượt rào cản

Là tỉnh có diện tích cây ăn quả không lớn song Hải Dương lại sở hữu nhiều trái cây có tiềm năng xuất khẩu, nhất là khi điều kiện thông thương giữa các nước được nới lỏng hơn. Nắm bắt được thế mạnh này nên thời gian qua, tỉnh chú trọng đầu tư quy vùng sản xuất tập trung nhằm xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu ổn định để giữ chân doanh nghiệp. Dù có thuận lợi song quy trình sản xuất khắt khe, nghiêm ngặt mới có thể làm ra sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu vẫn là rào cản lớn.

Đã đồng hành với Hải Dương để đưa vải, nhãn chinh phục khách hàng khó tính ở Australia, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... thời điểm này Công ty CP Ameii Việt Nam đang sát cánh cùng nông dân trong tỉnh để đưa các loại trái cây khác đến với bạn hàng quốc tế. Bà Đỗ Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc công ty cho biết doanh nghiệp đang phối hợp với chuyên gia để giúp người dân xã Bạch Đằng trồng thanh long bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang Australia. Đơn vị cũng đang xuất khẩu chuối cấp đông, chuối sấy sang Hàn Quốc, Trung Quốc. Để có nguồn hàng dồi dào, không bị gián đoạn, công ty đã xây dựng vùng trồng chuối xuất khẩu ở huyện Thanh Hà với diện tích 200 ha và 100 ha tại huyện Tứ Kỳ.

"Rào cản lớn nhất trong việc đưa trái cây xuất khẩu chính là ở chất lượng sản phẩm. Nếu muốn xuất khẩu suôn sẻ thì người dân phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay vì chạy theo số lượng mà tập trung cho chất lượng. Do đó, doanh nghiệp đang rất nỗ lực cùng nông dân cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm với mục tiêu phục vụ xuất khẩu ổn định, lâu bền", bà Hồng cho hay.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa trái cây xuất khẩu là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung và từng loại trái cây nói riêng. Hiện nhiều trái cây của tỉnh đang được các doanh nghiệp để mắt tới. Do vậy, chính quyền, người dân, cơ quan chức năng cần tận dụng tốt thời cơ này để những trái cây mũi nhọn của tỉnh có thể rộng đường xuất khẩu. Muốn làm được điều này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo ngay từ đầu, tránh những sự cố, thiếu sót trong quá trình sản xuất làm ảnh hưởng tới tiến trình xuất khẩu.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/trai-cay-sang-cua-xuat-khau-189283