Tốt nghiệp ngành Quản lý công không chỉ để làm công chức nhà nước

Quản lý công là ngành học cần thiết cho xã hội, giúp người học có cơ hội việc làm rộng mở, không chỉ ở khu vực công.

Từ một bộ môn thuộc ngành Khoa học Quản lý, vài năm gần đây, Quản lý công đã trở thành một chuyên ngành độc lập tại nhiều trường đại học.

Mục tiêu của ngành là đào tạo nhân lực có kiến thức chuyên môn vững vàng, đào tạo nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, hội nhập; có phẩm chất chính trị và đạo đức chuẩn mực; có kiến thức, kỹ năng tốt về quản lý, quản trị và khả năng phát triển năng lực lãnh đạo, điều hành; có trách nhiệm phục vụ cộng đồng, xã hội.

Học ngành Quản lý công, sinh viên được trang bị những gì?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn Quản lý công, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sinh viên ngành Quản lý công sẽ được đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo, điều hành, khả năng tư duy, phân tích cũng như tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động lãnh đạo và quản lý nhà nước. Ngành này cũng trang bị cho các bạn trẻ tư duy nhạy bén, sắc sảo trong việc phân tích các vấn đề liên quan đến chính sách công.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn Quản lý công, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Ngoài các kiến thức cơ bản về nền tảng lý luận chính trị, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học tự nhiên, kinh tế, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về khoa học quản trị, quản lý, về nền hành chính cũng như các phương pháp, kỹ năng và công cụ quản lý trong khu vực công.

Ngành Quản lý công là ngành học mới của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được giao về Trường Đại học Kinh tế – Luật từ năm 2024. Ngành học được xây dựng theo định hướng quản trị, quản lý gắn với thực tiễn của khu vực công ở Việt Nam hiện nay.

Việc giảng dạy và học tập trong lĩnh vực quản lý công hiện nay đã có rất nhiều thay đổi so với 10 – 15 năm về trước.

Nguồn dữ liệu hành chính và quản lý (bao gồm hành chính công, chính sách, quản lý nhà nước) và các công trình khoa học trong và ngoài nước… có thể được tiếp cận một cách dễ dàng. Xu hướng đào tạo gắn với thực tiễn, giải quyết các tình huống trong khu vực công trở thành một xu hướng chính trong đào tạo đại học hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết: “Việt Nam là một trong các quốc gia có số lượng người làm việc trong khu vực công cao nhất so với các quốc gia châu Á. Do đó, nhu cầu bổ sung, kế thừa, trẻ hóa nhân lực cho hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương là thiết yếu.

Để thực hiện tốt hoạt động quản lý khu vực công, đồng thời đề xuất những chính sách đúng đắn, khoa học, phù hợp thực tiễn, gắn với xu thế hội nhập; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, tệ nạn tham nhũng, xây dựng bộ máy hành chính kiến tạo, liêm chính, phục vụ thì điều cốt lõi cần phải quan tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, việc mở ngành đào tạo Quản lý công là nhu cầu cấp thiết”.

Cùng chia sẻ về ngành học này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Quản lý công, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong các năm học từ 2016-2021, Quản lý công được đào tạo ở chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế. Từ năm học 2022-2023, chuyên ngành Quản lý công được phát triển thành ngành Quản lý công.

Chương trình Quản lý công được thiết kế với tính cập nhật và thực tiễn rất cao, phù hợp với xu hướng hội nhập của đất nước thông qua các môn học mới mà Chính phủ và các địa phương đang cần như Dịch vụ công, Mua sắm công, Chính phủ điện tử, Quản trị dự án công, Quản trị nguồn nhân lực công, Quản trị chất lượng khu vực công, Marketing khu vực công…

Thầy Tùng nhấn mạnh: “Bên cạnh kiến thức, sinh viên theo học ngành Quản lý công cần đức tính trung thực, tận tâm, tư duy cởi mở. Bởi khi ra làm nghề, các bạn sẽ phải tiếp xúc với người dân, các cơ quan, bộ, ban, ngành”.

Tiến sĩ Vũ Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Truyền thông của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: Bên cạnh ngành Quản lý công, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có Chương trình đào tạo Quản lý công và Chính sách bằng tiếng Anh (E-PMP). Vì ngành học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên năm đầu tiên, các bạn sẽ được đào tạo, bổ sung tiếng Anh để đảm bảo có đủ năng lực học tập.

Sinh viên ngành Quản lý công và Chính sách (đào tạo bằng tiếng Anh), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tham gia buổi kiến tập tại Shinhan Bank (Ảnh: Fanpage EPMP NEU)

Khung chương trình chuẩn quốc tế tham khảo từ Chương trình đào tạo cử nhân đại học Chính sách công của Đại học Bang Georgia và Đại học Quốc gia Úc, giúp trang bị cho người học kiến thức kinh tế, quản lý trong một tổ chức, một doanh nghiệp cũng như quản lý vĩ mô của nhà nước.

Sinh viên còn được tham gia các buổi hội nghị, tọa đàm quốc tế và đi kiến tập tại các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.

Không giới hạn cơ hội việc làm

Theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2024, cập nhật ngày 26/04/2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ sinh viên ngành Quản lý công có việc làm sau khi ra trường 12 tháng là 97.67%.

Rào cản lớn nhất đối với việc tuyển sinh và học tập ngành Quản lý công là sinh viên chưa hiểu rõ về ngành nghề. Nhiều sinh viên cho rằng tốt nghiệp ngành Quản lý công chỉ có một con đường là trở thành công chức, viên chức nhà nước. Tuy nhiên, định hướng nghề nghiệp của ngành Quản lý công rất đa dạng.

Bạn Phạm Phương Anh, sinh viên Ngành Quản lý công và chính sách (chương trình đào tạo bằng tiếng Anh) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Mới đầu mình nghĩ rằng ngành chỉ hướng sinh viên về sau làm công chức nhà nước. Nhưng các thầy cô và anh chị khóa trước giới thiệu chúng mình kỹ càng hơn về ngành học, nó không hề nhàm chán hay chỉ hướng sinh viên vào nhà nước mà sẽ dạy cho sinh viên nhiều kỹ năng mềm, cách quản lý, điều phối về mọi mặt của công việc và đời sống, cơ hội việc làm thì luôn rộng mở”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Tùng cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương như Quản lý đô thị, Quản trị y tế, Quản trị tổ chức công, Phân tích chính sách, Thẩm định dự án, Kinh tế quốc tế, Kinh tế môi trường, Chính phủ điện tử.

Ngoài khu vực công, kiến thức ngành Quản lý công cũng sẽ tạo lợi thế cho sinh viên khi làm việc tại các ngân hàng, doanh nghiệp và tập đoàn lớn, nơi có mối quan hệ lâu dài và chuyên sâu với nhiều cơ quan nhà nước. Đặc biệt là các vị trí như chuyên viên phụ trách mua sắm công, chuyên viên thuế. Ngoài ra, sinh viên còn có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp xã hội và phi lợi nhuận, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công cũng rất thích hợp giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các Viện nghiên cứu Kinh tế, Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển”.

Bạn Trần Thịnh Phát Tiến, Khóa 23, Trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em lựa chọn ngành Quản lý công do cơ hội việc làm nhiều, không chỉ hướng đến việc quản lý nhà nước mà còn liên quan đến việc quản lý nhân sự của các doanh nghiệp. Sau khi học được một năm, em cảm thấy ngành thật sự phù hợp nếu các bạn có năng lực khá - giỏi mong muốn theo đuổi về lĩnh vực quản lý, hành chính”.

Chương trình tham quan thực tế của sinh viên ngành Quản lý công, Trường đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu (Ảnh: Website nhà trường)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa cũng chia sẻ, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối mặt với các thách thức và nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý nhân sự, văn phòng tổng hợp và thư ký hành chính. Điều này giúp các em nắm bắt được các yếu tố quan trọng liên quan đến quản lý và tổ chức công việc, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp một cách hiệu quả.

“Đặc biệt, sự tự tin của sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ đến từ kiến thức chuyên môn mà còn từ khả năng áp dụng linh hoạt và sáng tạo trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân.

Các kỹ năng này không chỉ giúp cử nhân ngành Quản lý công thích nghi nhanh chóng với môi trường làm việc thực tế mà còn là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp”, cô Hòa chia sẻ thêm.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tot-nghiep-nganh-quan-ly-cong-khong-chi-de-lam-cong-chuc-nha-nuoc-post242760.gd