Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chương trình hành động để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với nhiều giải pháp.

Kiểm tra trạm biến áp ở Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa.

Kiểm tra trạm biến áp ở Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa.

Tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra

Năm 2023, kinh tế Khánh Hòa có những bứt phá ấn tượng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,35% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra (8,7%), trở thành tỉnh có tốc độ tăng GRDP xếp thứ 4 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Các chỉ tiêu khác về kinh tế cũng đồng loạt tăng cao, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Bước sang năm 2024, bên cạnh những thuận lợi, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, để có thể duy trì được đà tăng trưởng như năm 2023, UBND tỉnh xác định cần có những giải pháp mang tính đột phá.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Tỉnh tiếp tục phấn đấu giữ vững tăng trưởng kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong việc cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cùng với đó sẽ thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nhiều giải pháp

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh xác định cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tỉnh tích cực phối hợp với Trung ương đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào khai thác các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia trên địa bàn tỉnh, như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh gồm các đoạn: Vân Phong - Nha Trang, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo; tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột... Cùng với đó, tập trung bố trí vốn đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm của tỉnh, như: Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp; đường giao thông ngoài cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Theo đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, UBND tỉnh cũng tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025; phát triển nuôi trồng thủy sản giá trị cao, đặc biệt là nuôi biển công nghệ cao, gắn với chế biến và xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp hỗ trợ; khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tích cực đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tỉnh cũng tập trung tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn cho những dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có, như: Hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp: Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng, Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh...; thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào Cụm Công nghiệp Trảng É, Cụm Công nghiệp Sông Cầu, Cụm Công nghiệp và chăn nuôi Khatoco, Cụm Công nghiệp Diên Thọ... góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung triển khai, cụ thể hóa các nội dung ký kết tại Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với các nhà đầu tư tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội; phát huy hiệu quả vai trò của Ban chỉ đạo Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; triển khai hiệu quả quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; thúc đẩy phát triển liên kết vùng; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị…

Năm 2024, Khánh Hòa đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 8,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 96,25 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.870 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt 16.687 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.087 tỷ đồng, thu nội địa đạt 14.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 80.569 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202402/tiep-tuc-duy-tri-da-tang-truong-kinh-te-cc96cc0/