Tiến độ cổ phần hóa vẫn… chậm!

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ cho thấy, công tác này vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn nhằm huy động nguồn lực của xã hội đầu tư vào doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế. Do đó, việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mà sâu xa hơn, dẫn đến lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế.

Còn nhớ, một năm trước đây, trong Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022 của Chính phủ gửi đến Quốc hội Khóa XV, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn còn kéo dài, chưa bảo đảm tính kịp thời, khả thi; số lượng doanh nghiệp dự kiến cổ phần hóa, thoái vốn không nhiều. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế”.

Và tình trạng “tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm” một lần nữa lại được Chính phủ nhắc đến trong Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023. Điều đó cho thấy, tồn tại, vướng mắc trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã trở thành "điểm nghẽn" kéo dài, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cổ phần hóa còn chậm. Đó là hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được hoàn thiện. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên, kém hiệu quả. Cùng với đó là năng lực quản trị, quản lý của người đại diện chủ sở hữu, người điều hành doanh nghiệp chưa cao. Điều quan trọng, đó là tâm lý “sợ trách nhiệm”, của một số người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện. Chính rào cản tâm lý này là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ cổ phần hóa thời gian qua.

Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong vài năm trở lại đây, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của năm sau luôn được người đứng đầu Chính phủ phê duyệt từ cuối năm trước đó. Đơn cử, trong Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 30.12.2022; nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 là đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu, đánh giá và có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh việc cơ cấu lại doanh nghiệp. Xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể giải quyết các dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại các doanh nghiệp. Thực hiện tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai… của doanh nghiệp nhà nước, giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các doanh nghiệp nhà nướctập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các nguồn vốn nhà nước khác…

Có thể thấy, quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đó có quyết tâm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ rất lớn. Tiếc rằng, kết quả thực hiện chưa được như mục tiêu đề ra.

Để tình trạng chậm cổ phần hóa, chậm thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không còn là một hạn chế, tồn tại được nhắc đến trong các báo cáo hàng năm, rất cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về vấn đề này. Cùng với đó, là chế tài xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, cơ quan cố tình chậm cổ phần hóa vì lý do chủ quan, “né” trách nhiệm. Có như vậy, mới tránh được tư duy cho rằng, quyết tâm đi đầu thực hiện cổ phần hóa nhanh cũng vậy; chậm trễ, trì trệ thực hiện cũng chẳng sao.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tien-do-co-phan-hoa-van-cham--i371385/