Thuốc lá điện tử - cảnh báo những tác hại khôn lường

Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (còn gọi là thuốc lào) trên thị trường đã xuất hiện các loại thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm 'thuốc lá điện tử', 'thuốc lá nung nóng' , vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những thứ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người, cần có sự quản lý chặt chẽ việc mua bán sản phẩm này và hạn chế tối đa việc sử dụng trong đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho trẻ vị thành niên. (ảnh minh họa)

Thuốc lá điện tử gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho trẻ vị thành niên. (ảnh minh họa)

Theo thuật ngữ chuyên môn, Thuốc lá điện tử (TLĐT) là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong propylene glycol hoặc glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị. Thuốc lá nung nóng (TLNN) là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.

Theo các nghiên cứu khoa học, có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch TLĐT (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử. Nicotine là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotine còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Trong khi đó, TLNN tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường.

Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon). Đã có rất nhiều các nghiên cứu bước đầu chỉ ra hậu quả đối với sức khỏe của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với khói của các sản phẩm này và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng TLĐT, TLNN ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác.

Đặc biệt, chất nicotine ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên như: Làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh, thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn về sau.

Tác hại với sức khỏe con người là đã rõ, tuy nhiên, thời gian gần đây trào lưu hút TLĐT đang khá phổ biến, nhất là giới thanh, thiếu niên- những người luôn hiếu kỳ, tò mò và muốn khám phá. Họ cho rằng hút TLĐT là sang trọng, thể hiện đẳng cấp và vô hại hoặc ít có hại đến sức khỏe. Thêm vào đó, để thu hút người sử dụng, các nhà sản xuất đã không ngần ngại sử dụng “chiến thuật” tinh vi và giới thiệu sản phẩm có thể gây ra nhầm lẫn. Đó là, TLĐT, TLNN là một sản phẩm mới, ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường, trở thành văn hóa hút thuốc trong tương lai...

Các nhà sản xuất đã tạo ra nhiều hương vị thuốc lá điện tử “dễ gần” như hương vị kẹo dẻo, kẹo bông, trái cây; thiết kế sản phẩm ấn tượng để tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ như giống các mặt hàng thực phẩm thông thường, hoặc giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút hoặc USB hoặc dạng hình khẩu súng...

Do chưa có những quy định cấm chặt chẽ, trong khi việc mua bán TLĐT, TLNN khá dễ dàng nên nhiều người vẫn “vô tư” sử dụng. Đã có nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Chính vì điều này, nhiều vị đại biểu Quốc hội và nhà khoa học đã lên tiếng đề nghị cần chú trọng đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt việc lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam, do các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, nung nóng, shisha gây tác hại rất nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, liên quan đến bệnh tật và nghiện ngập ma túy.

Trước thực tế của công tác quản lý và thực trạng sử dụng tràn lan các sản phẩm TLĐT, TLNN, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về tăng cường quản lý TLĐT, TLNN. Trong đó yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phải tập trung tuyên truyền về tác hại của TLĐT, TLNN; nghiên cứu ban hành văn bản pháp lý để quản lý; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, nhập lậu TLĐT, TLNN để kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán TLĐT, TLNN chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường. Đồng thời, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.

Trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng TLĐT, TLNN tuy chưa đến mức báo động, song đã có nhiều người sử dụng, trong đó giới trẻ khá đông. Đây là điều rất đáng lưu tâm, nhất là trong các trường học, các cơ sở giáo dục cần phải có sự theo dõi, giám sát, quản lý của các thầy, cô giáo và sự phối hợp của các bậc phụ huynh, tránh để học sinh vì tò mò, hiếu kỳ mà sử dụng TLĐT. Thời gian gần đây lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý một số cơ sở kinh doanh bán sản phẩm là máy TLĐT và tinh dầu cho TLĐT không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở các huyện: Cẩm Khê, Thanh Thủy và thành phố Việt Trì. Điều này cho thấy, có thể còn nhiều cơ sở bán ra thị trường mặt hàng này mà không rõ nguồn gốc xuất xứ (công khai hoặc không công khai) chưa bị phát hiện, xử lý, làm tăng cơ hội tiếp cận dễ dàng với loại sản phẩm này trong xã hội.

Trong khi TLĐT, TLNN chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường quản lý TLĐT, TLNN đã cho thấy tính cấp thiết của công tác quản lý cũng như thực trạng của việc sử dụng các sản phẩm này. Đây thực sự là mối lo ngại của toàn xã hội. Vì thế, trong khi chờ sửa đổi luật hoặc các định chế pháp lý cụ thể, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp, quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, nhập khẩu; đồng thời sớm đặt các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào khung quy định phù hợp, bảo đảm hiệu quả quản lý cũng như sức khỏe của cộng đồng.

Nguyễn Thùy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thuoc-la-dien-tu-canh-bao-nhung-tac-hai-khon-luong-212080.htm