Thời khắc khó khăn của Iran

Thảm kịch khiến Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng ngày 19/5 xảy ra trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ kinh tế, an ninh cho đến giải bài toán hóc búa trong mối quan hệ đang có chiều hướng leo thang căng thẳng với Mỹ và Israel.

Người dân tụ tập bày tỏ thương tiếc cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, tại Tehran, Iran ngày 20/5/2024. (Nguồn: Xinhua)

Người dân tụ tập bày tỏ thương tiếc cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, tại Tehran, Iran ngày 20/5/2024. (Nguồn: Xinhua)

Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm quốc gia Hồi giáo có tiếng nói trọng lượng ở Trung Đông đang phải căng mình trên nhiều mặt trận, cả trong và ngoài nước, xử lý êm thấm các mối quan hệ khó lường với nhiều quốc gia trong khu vực, trong khi nền kinh tế tiếp tục sa sút vì các lệnh trừng phạt kéo dài trong nhiều năm.

Thách thức bủa vây

Trong cuộc họp khẩn cấp ngày 20/5, Nhà lãnh đạo tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã phê chuẩn Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber làm quyền Tổng thống và ấn định ngày tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 50 ngày theo Hiến pháp nước này. Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, ông Ali Bagheri đã được quyền Tổng thống Mokhber đề cử giữ chức quyền Bộ trưởng Ngoại giao.

Tuyên bố trấn an dân chúng trước sự ra đi đột ngột của Tổng thống Raisi, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, các vấn đề quốc gia của Iran sẽ không bị gián đoạn vì sự cố nghiêm trọng này. Nhà lãnh đạo tối cao Iran đồng thời yêu cầu quyền Tổng thống Mohammad Mokhber và những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp phối hợp chặt chẽ, ổn định tình hình và đảm bảo an ninh để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới.

Trong cuộc họp đầu tiên với tư cách là nguyên thủ, quyền Tổng thống Mokhber nhấn mạnh, "Đất nước sẽ tiếp tục tiến lên. Sự cố này không thể gây trở ngại cho chính phủ và việc điều hành đất nước”.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, sự ra đi của Tổng thống Raisi vào thời điểm này cũng có thể đẩy Iran vào tình trạng bất ổn trong bối cảnh quốc gia Tây Á này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Điển hình là sự leo thang đối đầu giữa Tehran với Tel Aviv sau một loạt sự cố, các vụ "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau trong khi "chảo lửa" Trung Đông vẫn tiếp tục tình trạng căng thẳng ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Sự thù địch âm ỉ hàng thập kỷ giữa Iran và Israel đã chuyển thành hành vi gây hấn công khai sau khi Tehran thực hiện một cuộc không kích chưa từng có vào Israel để trả đũa việc Tel Aviv tấn công cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria, khiến một số lãnh đạo quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng.

Bên cạnh đó, là sự phản đối của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran. Kể từ khi ông Raisi lên nắm quyền tổng thống năm 2021, Iran bắt đầu phớt lờ các điều khoản của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), một thỏa thuận hạt nhân được Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức thống nhất trước đó.

Giới chức Mỹ cho biết, sau khi gần đạt được thỏa thuận với Iran thông qua các trung gian châu Âu cách đây 2 năm, các nỗ lực đàm phán đã sụp đổ dưới thời Tổng thống Raisi.

Người dân Iran bày tỏ tiếc thương Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khi thi hài ông được chuyển về Tehran, ngày 21/5. (Nguồn: AFP)

Người dân Iran bày tỏ tiếc thương Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khi thi hài ông được chuyển về Tehran, ngày 21/5. (Nguồn: AFP)

Không nhiều thay đổi

Mặc dù cuộc bầu cử tổng thống đã được Đại giáo chủ thông qua và dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 28/6 tới, nhưng khoảng thời gian này là tương đối ngắn ngủi để Lãnh tụ tối cao Khamenei chọn ra một nhân vật không chỉ trở thành tổng thống vào thời điểm quan trọng của đất nước mà còn có thể ở vị trí vững chắc để kế nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao.

Do đó, thách thức trước mắt đối với quyền Tổng thống Mokhber và kể cả bất cứ ai sẽ là tổng thống mới của Iran sau cuộc bầu cử tới sẽ là không chỉ kiểm soát được những bất đồng trong nước mà còn cả yêu cầu của các phe phái có đường lối cứng rắn với phương Tây và xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc.

Thách thức lâu dài đối với Tehran là xử lý mối quan hệ với Israel. Dù hiện tại hai bên chưa có cuộc đối đầu quân sự trực tiếp nào, nhưng cuộc chiến ủy nhiệm vẫn tiếp tục khi Hamas và Hezbollah, hai lực lượng được cho là có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Tehran tiếp tục chống lại Tel Aviv.

Trong bối cảnh như thế, các nhà phân tích nhận định, sự ra đi “không đúng lúc” của Tổng thống Ebrahim Raisi ít nhiều có thể sẽ gây ra tình trạng bất ổn trong nội bộ nước này. Tuy nhiên, trước mắt, các chính sách của Tehran sẽ không có nhiều thay đổi vì Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei mới là người ra mọi quyết định quan trọng và có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề trọng đại của Iran.

Và như vậy, có thể nhận định rằng, sự ra đi của Tổng thống Raisi sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Gaza, không làm chậm quá trình mở rộng sứ mệnh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, cũng như sẽ không thay đổi sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và không ảnh hưởng đến liên minh đang phát triển với Nga và Trung Quốc.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoi-khac-kho-khan-cua-iran-272180.html