Thị trường phản ứng trước việc Fed giữ nguyên lãi suất

Sau lời phát biểu của chủ tịch Fed, các chỉ số chứng khoán đã bắt đầu cho thấy những biến động.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời ra tín hiệu một đợt cắt giãm lãi suất trong thời gian tới dựa trên số liệu lạm phát đáng thất vọng gần đây.

Việc Fed giữ nguyên lãi suất không nằm ngoài dự báo của thị trường. Hiện nay, lãi suất tham chiếu duy trì khoảng 5,25%-5,5% - mức cao nhất trong 23 năm trở lại đây.

Sau nhiều tháng hạ nhiệt, lạm phát đã duy trì ổn định vào đầu năm 2024. Dù đã giảm mạnh so với mức 7,1% vào năm 2022, mức lạm phát 2,7% hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Điều này đặt ra câu hỏi về thời điểm các quan chức giảm lãi suất cũng như mức giảm cụ thể.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lạm phát vẫn cao hơn so với kỳ vọng mà cơ quan này đặt ra. Ông cho biết với việc quý 1/2024 chứng kiến đà tăng giá nhanh hơn dự kiến, các nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc về tiến độ đạt được mục tiêu lạm phát 2% như kỳ vọng trong giai đoạn còn lại của năm.

Ông hy vọng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong năm nay, tuy nhiên bày tỏ không quá tự tin về điều này. “Tôi vẫn kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt, nhưng mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế” – ông nói.

Tuy vậy, vị quan chức này cũng khẳng định việc tăng lãi suất khó có thể xảy ra.

Theo ông Powell, mức lãi suất chính sách hiện tại gây áp lực đủ lớn lên hoạt động kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát và Fed sẽ không thay đổi chính sách ngay cả khi lạm phát dường như không có dấu hiệu giảm xuống.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed – chỉ số giá tiêu dùng cá nhân – đã tăng ở mức 2,7% hàng năm trong tháng 3, mức tăng nhanh so với tháng trước.

Tác động đối với thị trường

Sau lời phát biểu của chủ tịch Fed, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến diễn biến trái chiều của các chỉ số chính. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/5, chỉ số Dow Jones đã tăng điểm nhưng cả S&P 500 và Nasdaq lại bất ngờ giảm. Chỉ số blue-chip tăng 87,37 điểm, tương đương 0,23%, chốt ở mức 37.903,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,34% còn 5.018,39 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq mất 0,33%, còn 15.605,48 điểm.

Cả ba chỉ số đã biến động mạnh trong phiên này. Nhờ tín hiệu không tăng thêm lãi suất từ ông Powell, Dow Jones có lúc tăng đến 530 điểm. S&P 500 và Nasdaq cũng có thời điểm đạt mức tăng lần lượt là 1,2% và 1,7%, tuy nhiên cả hai đã quay đầu vào cuối phiên và kết thúc trong sắc đỏ.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có lúc giảm dưới 4,6%. Do vậy, nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về việc lợi suất kỳ hạn này có thể tăng trở lại 5% trong năm nay và gia tăng áp lực lên nền kinh tế.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 6 tại New York giảm 2,93 USD/thùng, tương đương 3,58% xuống còn 79 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7 tại London giảm 2,89 USD/thùng, tương đương giảm 3,35%, xuống còn 83,44 USD/thùng.

Tại thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương, phần lớn các chỉ số giảm sau quyết định của Fed.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,70% trong khi Topix giảm 0,4% trong phiên giao dịch sớm.

Chỉ số Kospi và Kosdaq của Hàn Quốc cũng điều chỉnh nhẹ ở mức 0,1%. Trong khi đó, các nhà phân tích dữ liệu cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 tại đất nước này chứng kiến mức tăng chậm hơn so với tháng 3.

Trong khi đó, tại Úc, chỉ số S&P/ASX tăng thêm 0,2%.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng báo giá hợp đồng tương lai đứng ở mức 17.763,03.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-phan-ung-truoc-viec-fed-giu-nguyen-lai-suat.html