Thầy cô 'chạy nước rút' ôn tập cùng học sinh lớp 9

Nhiều trường THCS ở Đà Nẵng tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đến gần sát ngày thi.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trong giờ ôn tập môn Toán.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) trong giờ ôn tập môn Toán.

Cá nhân hóa nội dung ôn tập

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn duy trì tổ chức ôn tập cho học sinh khối lớp 9 cho đến hết tháng 5. Mỗi tuần, học sinh sẽ có 4 buổi ôn tập tại trường, mỗi buổi có 4 tiết với 2 môn học.

Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: "Lớp ôn tập trong 3 tuần cuối khi chương trình học của lớp 9 đã kết thúc vẫn được duy trì theo lớp học truyền thống. Trong thời gian còn lại cho đến gần sát ngày thi, ngoài củng cố, hệ thống lại kiến thức, làm quen với các dạng đề thi để rèn kỹ năng làm bài".

Tuy không chia lớp ôn tập theo mức độ tiếp nhận của học sinh nhưng Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm lưu ý giáo viên phải cá nhân hóa nội dung ôn tập. Theo đó, giáo viên sẽ xây dựng nội dung ôn tập, các phần kiến thức, kỹ năng cần nắm vững phù hợp với từng nhóm học sinh dựa trên năng lực học tập và nguyện vọng xét đăng ký tuyển sinh để phát cho mỗi em.

Thời khóa biểu ôn tập khối lớp 9 của các trường THCS được chuyển đến phụ huynh để có sự phối hợp nhắc nhở, quản lý học sinh.

Thời khóa biểu ôn tập khối lớp 9 của các trường THCS được chuyển đến phụ huynh để có sự phối hợp nhắc nhở, quản lý học sinh.

Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cùng xác định với phụ huynh, học sinh và thầy cô đứng lớp, 3 tuần cuối của tháng 5 sẽ là giai đoạn chạy nước rút trong ôn tập. Mỗi tuần, học sinh sẽ có 4 buổi ôn tập tại trường cho 3 môn Ngữ Văn, Toán và Anh văn. Mỗi buổi có 4 tiết/2 môn và chỉ học vào buổi sáng để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Trước khi bước vào giai đoạn ôn tập nước rút, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tổ chức thi thử theo đúng định dạng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của những năm trước. Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc tổ chức thi thử, ngoài giúp học sinh củng cố kiến thức, còn rèn luyện kỹ năng làm bài. Từ bài thi thử, thầy cô giáo sẽ phân tích để học sinh rút kinh nghiệm những sai sót, phát hiện những kiến thức chưa nắm vững để kịp thời bổ sung, luyện thêm trong thời gian còn lại”.

Em Nguyễn Anh Thư, lớp 9/1, Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Điểm thi thử tuyển sinh của em chỉ đủ để đỗ nguyện vọng 2. Vì vậy, thời gian còn lại cho đến ngày thi, em tập trung các kiến thức căn bản để có thể chắc chắn một suất vào trường THPT công lập. Với điều kiện kinh tế của gia đình em, rất khó để em có thể theo học ở các trường tư thục”. Anh Thư là con lớn trong gia đình có đến 4 anh chị em. Thư không có điều kiện đi học thêm nên chỉ theo các lớp ôn tập tại trường và tự học ở nhà thông qua hệ thống đề tham khảo do thầy cô giáo cung cấp.

Thầy cô, phụ huynh tránh tạo áp lực cho thí sinh

Trong buổi gặp mặt cha mẹ học sinh khối lớp 9 để tư vấn tuyển sinh lớp 10 và phân luồng hướng nghiệp, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm lưu ý phụ huynh trong giai đoạn này tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh.

Giáo viên cũng được nhắc nhở trong quá trình ôn tập, tránh tạo không khí căng thẳng, gây áp lực cho thí sinh. Thời gian ôn tập còn lại, giáo viên chủ yếu giúp học sinh củng cố, hệ thống lại kiến thức, tâm lý và kỹ năng làm bài thi thông qua việc cho học sinh làm quen với các đề thi tham khảo hoặc các bài tập theo chuyên đề. Nhắc nhở các em cân đối thời gian học tập và thư giãn, giữ gìn sức khỏe để vững tâm bước vào kỳ thi.

Các trường lưu ý giáo viên và phụ huynh tránh tạo áp lực cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Các trường lưu ý giáo viên và phụ huynh tránh tạo áp lực cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Đầu năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã vận động cha mẹ học sinh để triển khai chương trình “20 phút cùng con mỗi tối”. Theo đó, phụ huynh ký cam kết với nhà trường quan tâm, dành 20 phút mỗi tối để nhắc nhở con em học tập. Nhà trường triển khai mô hình “Ngày cuối tuần về với gia đình học sinh”. Theo đó, giáo viên, nhân viên tranh thủ ngày cuối tuần đến thăm và giúp đỡ học sinh xây dựng “Góc học tập”, xây dựng thời gian biểu tự học ở nhà.

Đầu học kỳ 2, Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã khảo sát và chia học sinh khối 9 thành 2 nhà trường đã khảo sát phân học sinh thành 2 lớp (lớp có khả năng đậu và lớp ít khả năng đậu). Đối với 17 em học sinh đồng bào Cơ tu, nhà trường cũng phân luồng theo trình độ và học chung với các bạn trong lớp. Các môn Toán, Ngữ Văn; tiếng Anh được dạy tăng cường với tổng số tiết là 12 tiết/tuần; mỗi môn 4 tiết/ tuần và dạy trái buổi theo thời khóa biểu chính khóa.

Sau khi nộp phiếu điều chỉnh nguyện vọng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng không thông báo lại số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường THPT công lập. Vì vậy, nhiều học sinh vẫn băn khoăn với những quyết định thay đổi nguyện vọng của mình.

Thầy Bùi Quốc Duy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắn nhủ: Thời điểm này, học sinh chỉ nên tập trung cho việc ôn tập, làm quen với các dạng đề thi để rèn kỹ năng làm bài. Không nên quá lo lắng về tỉ lệ “chọi” vì sau điều chỉnh nguyện vọng, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường sẽ có sự thay đổi nhất định.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-co-chay-nuoc-rut-on-tap-cung-hoc-sinh-lop-9-post683532.html