Tạo bước chuyển bền vững trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An

Chiều 13/5, Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có cuộc làm việc với các sở, ngành về việc thực hiện một số chỉ tiêu gắn với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: Thanh Quỳnh

Những bước tiến từ thực tiễn

Nghệ An là tỉnh có vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích lớn nhất cả nước. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hơn 491 nghìn người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh. 5 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.

Thời gian qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện tốt. Công tác xóa đói, giảm nghèo được chú trọng quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ. Tỷ lệ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chỉ tiêu, giảm bình quân từ 3,4 - 4,9%/năm.

Nghệ An đã và đang tập trung xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới. Ảnh tư liệu Sách Nguyễn

Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đội ngũ cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số ngày càng được tăng cường, đáp ứng căn bản nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Kết quả đạt được về chỉ tiêu thiên niên kỷ có 11/12 chỉ tiêu đạt và vượt.

Lĩnh vực giáo dục có 5/5 chỉ tiêu thiên niên kỷ đạt và vượt. Nổi bật là tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học là 99,86%; Tỷ lệ người dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học là 90%; Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ là 90,3%; Tỷ lệ học sinh nữ dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ước đạt trên 80%.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Quỳnh

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao. Tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số đạt chuẩn văn hóa là 90,7%; tỷ lệ làng, bản, khối, xóm đạt chuẩn văn hóa là 82,2%; tỷ lệ xã phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số có thiết chế văn hóa đạt chuẩn quốc gia là 75,5%.

Đối với cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng, lồng ghép nguồn lực thì đến ngày 30/6/2022, Nghệ An là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phân bổ vốn và cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Sở Y tế trả lời chất vấn mà thành viên đoàn giám sát nêu. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ việc thực hiện chỉ tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An từ năm 2020 đến nay.

Nhờ vậy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể có 17/19 chỉ tiêu đạt và vượt, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, đời sống đồng bào được nâng lên rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, đại đoàn kết dân tộc được giữ vững.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tiếp tục vượt khó hoàn thành mục tiêu đề ra

Tại buổi làm việc, đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cùng thành viên đoàn giám sát đề nghị đại diện các sở, ngành phân tích thêm các nguyên nhân chủ quan, khách quan về các tồn tại, hạn chế liên quan đến tính bền vững công tác giảm nghèo; công tác giải ngân nguồn vốn; quá trình thu hút, hỗ trợ trong đào tạo nhân lực ngành Y tế; phụ cấp cho lực lượng y tế thôn, bản; tính trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư và đào tạo nghề; việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia...

Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh thêm về thực trạng tảo hôn; công tác đào tạo, bố trí việc làm, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Các giải pháp bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đại diện các sở, ngành đã tiếp thu, giải trình các vấn đề đoàn giám sát nêu. Từ đó, thống nhất các giải pháp trong việc thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra thời gian tới.

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Lô Thị Kim Ngân ghi nhận, đánh giá cao những thành quả mà các sở, ngành đã đạt được trong việc thực hiện các chỉ tiêu gắn với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị sau buổi giám sát thì các sở, ngành tiếp tục bám sát cơ sở thực tiễn từng vùng, từng địa phương để đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu một cách đồng bộ, đi vào thực chất, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần quan tâm hơn đến chỉ tiêu giảm nghèo bền vững và công tác đào tạo nghề. Sở Giáo dục và Đào tạo cần khắc phục 5 hạn chế, tồn tại liên quan đến mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học; tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là ở cấp học mầm non; nâng cao trách nhiệm của gia đình trong đồng hành với nhà trường; chế độ, chính sách cho nhà giáo. Quan tâm giáo dục kỹ năng sống, nâng cao nhận thức cho các em học sinh về những tác hại của tình trạng tảo hôn...

Ngành Y tế cần quan tâm đến các chương trình phòng, chống dịch bệnh, các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua đó, tạo được những bước chuyển bền vững trong thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Thanh Quỳnh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/tao-buoc-chuyen-ben-vung-trong-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-nghe-an-post289238.html