Tại sao phi công lái máy bay lại 'sợ' chim?

Là những cỗ máy nặng hàng chục tấn và làm từ những vật liệu siêu bền, nhưng máy bay lại có thể gặp vấn đề khi đối diện với những chú chim nhỏ bé.

 Các vụ tai nạn do đâm vào chim thường xảy ra khi máy bay cất hoặc hạ cánh. Ảnh: HA.

Các vụ tai nạn do đâm vào chim thường xảy ra khi máy bay cất hoặc hạ cánh. Ảnh: HA.

Tối ngày 19/5, chuyến bay VN1269 của Vietnam Airlines từ Vinh hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất gặp tình trạng rạn, nứt kính buồng lái phía trước ghế ngồi của cơ trưởng và có vết máu dính trên kính. Qua kiểm tra, kỹ thuật viên kết luận sơ bộ nguyên nhân có thể do máy bay va chạm với chim trời.

Cũng trong hôm đó, chuyến bay VN1207 sau khi cất cánh từ sân bay Nội Bài để đi Cần Thơ cũng gặp sự cố, buộc tổ bay phải xin quay lại sân bay Nội Bài. Họ phát hiện máy bay có vết nứt trên kính buồng lái phía trước ghế cơ phó và phỏng đoán có thể do máy bay va phải chim.

Nguy hiểm do chênh lệch tốc độ

Trên thực tế, không ít vụ va chạm giữa máy bay và chim đã xảy ra trên khắp thế giới. Theo Washington Post, hơn 2.300 vụ tông nhầm động vật đã được phát hiện vào năm 2023. 97% “nạn nhân” trong số đó là chim, theo cơ sở dữ liệu do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Ngoài ra, các vụ va chạm cũng có thể bao gồm dơi hoặc sinh vật trên mặt đất như hươu, chó sói, rùa hoặc cá sấu.

Cơ quan này cho biết trên khắp thế giới, hơn 300 người đã thiệt mạng vì các sự cố với động vật và gần 300 máy bay đã bị hư hỏng từ năm 1988-2021. 92% các vụ đâm phải động vật đều xảy ra ở độ cao 1000 m hoặc thấp hơn, theo FAA.

 Một chiếc Boeing 737 tại Sudan bị hỏng phần mũi vì va chạm với chim khi vừa cất cánh. Ảnh: Aviation WG.

Một chiếc Boeing 737 tại Sudan bị hỏng phần mũi vì va chạm với chim khi vừa cất cánh. Ảnh: Aviation WG.

Hassan Shahidi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức An toàn Chuyến bay, cho biết: “Các cuộc ‘đụng độ’ với chim trên trời là mối nguy hiểm đối với ngành hàng không. Điều này xảy ra rất thường xuyên, không chỉ với máy bay thương mại mà còn với tất cả loại máy bay”.

Sự cố máy bay tông phải chim thường xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, nghĩa là ngay trước khi hạ cánh hoặc sau khi cất cánh - tức là lúc động cơ phản lực đang quay ở tốc độ tối đa.

Va chạm có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim là ngỗng trời, kền kền và mòng biển bị hút vào động cơ phản lực, làm gãy cánh quạt khiến động cơ ngừng hoạt động.

Mặc dù động cơ máy bay được bảo vệ bằng các lá chắn nhưng một cú lao thẳng của con chim nặng hơn 2 kg hoàn toàn có thể xé rách lớp bảo vệ này. Ngoài ra, nhiều khi chim lao vào cánh hoặc càng máy bay có thể gây ra các “báo động giả” khiến phi công xử lý tình huống sai.

Đồng quan điểm, ông Cao Văn Thái, Phó trưởng ban An ninh - an toàn, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) từng chia sẻ rằng chim trời rất nguy hiểm đối với hoạt động hàng không.

Khi va chạm với máy bay, chim có thể gây móp méo vỏ, nặng hơn có thể chui vào bánh lái, động cơ, phá hủy thiết bị khi máy bay đang di chuyển với tốc độ lớn, uy hiếp an toàn.

Chim càng lớn, tai nạn máy bay càng nguy hiểm

Theo CNBC, sự khác biệt về tốc độ của máy bay và chim càng lớn thì lực tác động lên máy bay càng lớn. Các tai nạn tông phải cả một đàn chim thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều vì chúng có thể gây ra nhiều cuộc va chạm liên hoàn.

Năm ngoái, FAA đã nhận được báo cáo về 17.200 vụ tai nạn ở Mỹ hoặc liên quan đến hãng hàng không Mỹ ở các sân bay nước ngoài. Con số này thấp hơn một chút so với báo cáo trong năm 2019, nhưng lại cao nhất trong 5 năm trở lại.

Mặc dù số lượng các cuộc va chạm đã lên tới hàng nghìn vụ, dữ liệu của FAA cho thấy thiệt hại được báo cáo chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Năm 2022, có 695 vụ việc gây ra ảnh hưởng và chỉ 36 trong số đó gây ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo của FAA, thiệt hại do động vật hoang dã gây ra đối với ngành hàng không ở Mỹ vào năm 2021 ước tính lên đến 328 triệu USD.

 Vụ tai nạn nổi tiếng năm 2009, khi máy bay từ New York va chạm với chim và phải đáp xuống sông. Bộ phim Sully ra mắt năm 2016 lấy kịch bản từ chính vụ tai nạn này. Ảnh: AP.

Vụ tai nạn nổi tiếng năm 2009, khi máy bay từ New York va chạm với chim và phải đáp xuống sông. Bộ phim Sully ra mắt năm 2016 lấy kịch bản từ chính vụ tai nạn này. Ảnh: AP.

Flavio Mendonca, trợ lý giáo sư tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, cho biết các tai nạn liên quan đến chim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, chỉ cần chú chim đâm vào máy bay - dù là trên mặt đất hay trên không, đâm vào cánh, kính chắn gió hay bộ phận khác của máy bay. Ông cho biết kiểu tai nạn nguy hiểm nhất là khi một hoặc nhiều chú chim bay vào động cơ máy bay.

“Nếu chim bị động cơ ‘nuối chửng’, máy bay có thể bị hư hại nặng nề”, Flavio Mendonca cho hay. Mặc dù mất một động cơ không khiến máy bay rơi ngay được, phi công vẫn cần phải quay lại sân bay hoặc tìm nơi an toàn để hạ cánh ngay lập tức.

Theo Washington Post, vụ va chạm với chim nổi tiếng nhất là khi cả 2 động cơ của một chiếc máy hãng US Airways hỏng hóc sau khi đâm phải đàn ngỗng. Cụ thể, vụ việc diễn ra ngay sau khi máy bay cất cánh từ sân bay LaGuardia vào năm 2009. Sự cố khiến cả hai động cơ của máy bay bị hỏng, nhưng toàn bộ 155 hành khách vẫn sống sót nhờ cơ trưởng Sully điều khiển máy bay hạ cánh xuống sông Hudson.

Được mệnh danh là “Phép màu trên sông Hudson”, vụ tai nạn nổi tiếng này đã được dựng thành bộ phim ra mắt năm 2016. Sau tai nạn, chính quyền thành phố New York quyết định thực hiện nhiều biện pháp để giảm số lượng chim xung quanh sân bay.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-chim-co-the-lam-roi-may-bay-post1476634.html