Tác giả viết 'Đời ai nấy chết' trong 24 ngày, qua đời không lâu sau đó

Hans Fallada viết tiểu chuyết chống phát xít 'Đời ai nấy chết' chỉ trong 24 ngày và qua đời vài tháng sau đó, chỉ vài tuần trước khi tác phẩm xuất bản.

 Ảnh: T.Đ.

Ảnh: T.Đ.

Đời ai nấy chết là một trong những tiểu thuyết chống phát xít đầu tiên do người Đức viết sau Thế chiến thứ hai. Cuốn sách dựa trên câu chuyện có thật của cặp vợ chồng thuộc tầng lớp lao động Otto và Elise Hampel.

Tác phẩm được đánh giá là “Cuốn sách hay nhất từng viết về cuộc kháng chiến của người Đức chống lại Đức Quốc xã", theo Primo Levi. Mới đây, tác phẩm đến với bạn đọc Việt qua phần chuyển ngữ của dịch giả Hoàng Đăng Lãnh.

Chuyện đôi vợ chồng rải truyền đơn chống Đức Quốc xã

Đôi vợ chồng vốn không quan tâm đến chính trị, nhưng sau khi Elise Hampel biết tin anh trai mình thất thủ ở Pháp, cô và chồng bắt đầu có những hành động phản kháng. Họ viết truyền đơn trên bưu thiếp, kêu gọi người dân chống lại và lật đổ Đức Quốc xã. Họ đã để hàng trăm tấm bưu thiếp như vậy ở cầu thang chung cư hay thả vào hộp thư.

Dù biết luật pháp khép điều này vào tội tử hình nhưng họ vẫn tiếp tục công việc này trong hơn một năm cho đến khi bị phản bội và bị bắt. Họ bị thẩm phán Đức Quốc xã Roland Freisler xét xử và hành quyết tại Nhà tù Plotzensee.

Vợ chồng Hampel thất học, mắc nhiều lỗi chính tả, sử dụng ngôn từ rất đơn giản, nhưng họ truyền đi thông điệp mạnh mẽ - đủ để khiến những người nhặt được bưu thiếp phải kinh hoàng. Gần như toàn bộ chỗ thư này lập tức được giao cho cảnh sát hoặc mật vụ của Đức Quốc xã.

Câu chuyện có thật

Tác giả của sách, Hans Fallada, là một trong những tác giả thành công về mặt thương mại nhất ở nước Đức lúc bấy giờ. Johannes Becher, nhà thơ, tiểu thuyết gia và là bạn của Fallada, trao cho Fallada hồ sơ liên quan đến vụ việc nhà Hampel. Trở về sau nhiều năm lưu vong vì chiến tranh, Johannes Becher công tác ở vị trí chủ tịch tổ chức văn hóa do chính quyền quân sự Liên Xô thành lập trong khu vực thuộc quyền Liên Xô.

Trong công tác kiến tạo một nền văn hóa chống phát xít mới, ông đã xem xét hồ sơ Đức Quốc xã về những người kháng chiến bị hành quyết rồi tìm kiếm tác giả chấp bút những câu chuyện này. Becher đưa hồ sơ nhà Hampel cho Fallada vào mùa thu năm 1945, mong muốn bạn mình hồi phục nhờ chủ đề hay cho một cuốn sách mới.

Fallada ban đầu từ chối, nói rằng ông không chống trả và thậm chí còn hợp tác với Đức Quốc xã. Không giống như nhiều nhà văn và trí thức chạy trốn khỏi nước Đức bấy giờ, Fallada cảm thấy quá gắn bó với ngôn ngữ và văn hóa Đức nên không thể rời đi dù bạn bè luôn thúc giục ông chạy trốn và một số cuốn sách của ông đã bị Đức Quốc xã đưa vào danh sách đen. Kết cục, ông phải sống những năm tháng trong sợ hãi, ngờ vực và hiểm nguy ngày ngày ở Berlin thời chiến.

Từ những trải nghiệm cá nhân của chính mình, khía cạnh tâm lý trong câu chuyện của Hampel khiến ông tò mò. Ông cũng yêu thích ngôn từ đơn giản của người lao động. Do đó, một năm sau khi nhận được hồ sơ, vào mùa thu năm 1946, Fallada viết Đời ai nấy chết chỉ trong 24 ngày và qua đời vài tháng sau đó, vài tuần trước khi cuốn sách xuất bản.

 Nhà văn Hans Fallada. Ảnh: NDR.

Nhà văn Hans Fallada. Ảnh: NDR.

Truyện kể về vợ chồng nhà Quangel đau khổ tột cùng, mất tất cả khi hay tin cậu con trai duy nhất thiệt mạng ngoài chiến trường. Từ đây, họ quyết tâm phát động chiến dịch dân sự đơn giản, thầm lặng phản đối các chính sách của Hitler và chống chiến tranh. Những tưởng có thể khơi dậy một cuộc cách mạng, nhưng nỗ lực của họ không chỉ công cốc mà còn đưa cả hai đến gần với án tử.

Trong bối cảnh này, Hans Fallada mở ra bức tranh chi tiết về cuộc sống ở Berlin trong chiến tranh, khi người ta sống trong kinh hoàng thường trực. Đức Quốc xã đã thi hành nhiều chính sách khủng bố và đàn áp, buộc những công dân bình thường phải do thám, nghi ngờ lẫn nhau, người quen chỉ điểm, hàng xóm mách lẻo, những tố cáo vô thưởng vô phạt cũng có thể đưa người ta lên đoạn đầu đài.

Khi chính quyền yêu cầu dân chúng phải trung thành tuyệt đối và tận tâm với Quốc trưởng thì cuộc đấu tranh của vợ chồng nhà Quangel đã thấy trước được thất bại. Nhưng khi chọn lựa chiến đấu chống lại cái ác, chống lại những điều sai trái, tuy có thể không cứu được thế giới, nhưng ít nhất người ta cứu được lương tâm của chính mình.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tac-gia-viet-doi-ai-nay-chet-trong-24-ngay-qua-doi-khong-lau-sau-do-post1474873.html